Ám ảnh quá khứ
Thua 3-5 ở loạt luân lưu, sau khi hòa 1-1 trong thời gian chính thức, Thái Lan nối dài chuỗi tám năm không thắng Malaysia. Lần gần nhất họ đánh bại đối thủ này đã từ ngày 17/12/2014, ở lượt đi chung kết AFF Cup 2014 với tỷ số 2-0.
Diễn biến trận đấu hôm 22/9 thể hiện Malaysia không e dè dù đá trên sân Thái Lan. Họ chơi hay hơn trong hiệp một, không ngần ngại pressing và hai hậu vệ cánh thường xuyên dâng cao gây sức ép. Bàn thắng của hậu vệ trái Corbin-Ong là thành quả cho lối chơi đó.
Trong hiệp hai, Malaysia biết Thái Lan sẽ dồn đội hình tìm bàn gỡ. Họ chơi quyết liệt, phòng ngự chủ động khiến những pha lên bóng của đoàn quân Mano Polking rời rạc. Đến phút bù giờ cuối cùng, trung vệ Hemviboon mới đánh đầu gỡ hòa cho Thái Lan, đưa trận đấu vào loạt luân lưu. Tuy nhiên, pha sút hỏng của Supachok khiến chủ nhà thất bại.
Khoảng trống Sarach Yooyen và Teerasil Dangda để lại
HLV Mano Polking không gọi hai cầu thủ thuộc biên chế BG Pathum ở lần tập trung này. Bên cạnh tin đồn về mâu thuẫn giữa Polking và BG Pathum, có thể thấy khoảng trống mà Sarach và Teerasil để lại.
Sarach là cầu thủ kết nối giữa phòng ngự và tấn công ở tuyến tiền vệ Thái Lan. Anh có tầm bao quát rộng, có thể trám vào nhiều vị trí nếu cần thiết. Sarach vắng mặt dường như khiến hàng tiền vệ Thái Lan mất cân bằng.
Trong khi đó, tuy đã 34 tuổi, kinh nghiệm của Teerasil vẫn rất cần thiết cho Thái Lan. Có thể nhận thấy ở hiệp một, khi có bóng ở phần sân Malaysia, các tiền vệ Thái Lan thường chuyền qua lại quá nhiều, như thể họ không hiểu ý nhau. Tuyến trên của Thái Lan bị hàng thủ Malaysia chia cắt.
Đội chủ nhà chơi ấn tượng hơn trong hiệp hai nhưng vẫn thiếu những mảng miếng cụ thể. Có thể thấy sự vắng mặt của những lão tướng dày dạn kinh nghiệm như Sarach hay Teerasil ảnh hưởng lớn đến Thái Lan.
Kỹ năng dứt điểm của Suphanat
Suphanat Mueanta là một trong những tài năng trẻ sáng giá nhất Thái Lan. Tiền đạo này có đủ những phẩm chất để tiếp bước đàn anh ở đội tuyển. Tiềm năng của Suphanat còn hứa hẹn một ngày anh có thể thi đấu nước ngoài. Nhưng đó là chuyện của tương lai.
Vào sân trong hiệp hai, tiền đạo thuộc biên chế Buriram tạo ra mối nguy hiểm thường trực cho đối thủ. Tuy nhiên, bỏ lỡ hai cơ hội là bài học cho thấy Suphanat cần cải thiện kỹ năng dứt điểm. Anh lẽ ra phải biến những cơ hội thành bàn nếu muốn vươn thành ngôi sao. Vì khoảng cách giữa một cầu thủ bình thường và ngôi sao là cách xử lý những tình huống quyết định như vậy.
Sức ỳ của Supachok
Supachok Sarachat luôn là cầu thủ nguy hiểm trong thế trận tấn công. Mỗi khi có cơ hội, anh ít khi bỏ lỡ. Tuy nhiên, hiệp một cho thấy tiền đạo đang khoác áo Consadole Sapporo không quen với việc ra sân từ đầu. Bởi vì từ khi sang Nhật Bản thi đấu, Supachok hiếm khi đá chính. Phải sang hiệp hai, Supachok mới bắt nhịp với trận đấu. Sự góp mặt của anh trong mỗi đợt lên bóng cho Thái Lan nhiều phương án hơn. Dù không ghi bàn, Supachok khuấy đảo hàng thủ Malaysia mỗi khi có bóng.
Nhưng Supachok lại đá hỏng luân lưu, khiến trận đấu hóa ác mộng với anh ấy. Tất nhiên, đó không phải là dấu chấm hết cho Supachok. Mọi cầu thủ đều trải qua thời gian tồi tệ. David Beckham từng đá hỏng luân lưu ở World Cup 1998, Cristiano Ronaldo cũng tương tự ở chung kết Champions League 2008. Vì thế, Supachok cần quên kỷ niệm buồn này ngay và tiến lên phía trước vì chặng đường chơi bóng của anh còn dài.
Sumanya xứng đáng được tin tưởng hơn
Vào sân ở phút 14, thay Chanathip Songkrasin chấn thương, Sumanya Purisai cho thấy anh vẫn sở hữu những phẩm chất có thể mang lại sự khác biệt cho tuyển Thái Lan dù đã 36 tuổi.
Thực tế, tiền vệ của CLB Chonburi không nằm trong số những phương án dự phòng cho Chanathip, nhưng sự vắng mặt của Sarach cho anh cơ hội. Trong một trận đấu mà Malaysia sẵn sàng đá rắn để khiến Thái Lan chùn chân, Sumanya vẫn quyết tâm tạo ra cơ hội cho đồng đội mà không một chút bất mãn với đối thủ. Sumanya cũng là người thực hiện pha đá phạt ở thời gian bù giờ, để Pansa Hemviboon đánh đầu gỡ hòa. Một lần nữa, Sumanya thể hiện anh vẫn có ích cho đội tuyển.
Vĩnh San (theo Siamsport)