Ngôi đền huyền thoại
Nếu như thế giới bóng đá có Lionel Messi và Cristiano Ronaldo tạo ra cuộc so tài kỳ vĩ gần 20 năm qua, thì thế giới quần vợt còn có cuộc đua tranh hấp dẫn bội phần. Đơn giản vì đó không phải cuộc đấu tay đôi, mà là tay ba, giữa Roger Federer, Rafael Nadal và Novak Djokovic. Tùy thời điểm, có những ngôi sao cố gắng chen chân vào “tam mã” này và tạo ra khái niệm Big Four. Tuy nhiên, không có tay vợt nào đủ khả năng bám đuổi họ trong thời gian dài.
Sự nổi trội của Big Three thể hiện rõ qua số Grand Slam mà họ giành được trong sự nghiệp. Cả 3 đã lần lượt chinh phục cột mốc 20 Grand Slam, và đương nhiên không còn nhiều danh hiệu cho phần còn lại. Tính từ thời điểm Roger Federer giành Wimblemdon đầu tiên vào năm 2003 đến nay, có tổng cộng 78 giải Grand Slam diễn ra. Trong đó, Big Three thay nhau vô địch 63 lần. Các tay vợt khác chỉ giành tổng cộng 15 giải còn lại, tức là chưa bằng một mình Federer. Trong đó, Stan Wawrinka và Andy Murray khá nhất cũng chỉ có 3 lần lên ngôi.
Cũng vì vậy, tranh cãi về tay vợt vĩ đại nhất lịch sử thường không có hồi kết. Roger Federer là người giải nghệ đầu tiên và như một hệ quả tất yếu, người hâm mộ trung lập có xu hướng xem anh là người vĩ đại nhất. Điều này đương nhiên bị các cổ động viên của Nadal và Djokovic bác bỏ.
Roger Federer chắc chắn là một trong những tay vợt được yêu thích nhất mọi thời đại. Ngôi sao người Thụy Sĩ được ví von là “Quý ngài quần vợt” với lối đánh nhẹ nhàng như nước chảy mây trôi. Anh cũng được mệnh danh là “Tàu tốc hành” khi thường xuyên đánh bại đối thủ trong thời gian ngắn. Với 20 Grand Slam, Federer có đủ danh hiệu để so kè với bất cứ ai trong lịch sử quần vợt. Anh có lẽ chỉ tụt lại phía sau nếu Djokovic hoặc Nadal chạm đến cột mốc xa hơn hẳn, như 25 hoặc 30 Grand Slam. Có điều, cả hai khó lòng làm được khi tuổi tác cũng đang dần đuổi kịp họ giống như với Federer.
Tùy theo hệ quy chiếu
Trong nỗ lực đưa ra một lựa chọn công bằng cho “tay vợt vĩ đại nhất lịch sử”, các chuyên gia đã xếp hạng họ theo các hệ quy chiếu khác nhau. Ở hạng mục vô địch Grand Slam nhiều nhất, Nadal dẫn đầu với 22 danh hiệu, Djokovic đứng sau với 21 danh hiệu trong khi Federer dừng lại với 20 danh hiệu. Lần cuối cùng tay vợt người Thụy Sĩ lên ngôi đã cách đây 4 năm, nhưng Djokovic và Nadal vẫn tiếp tục chinh phục các cột mốc cao hơn.
Nếu tính điểm thành tích chung ở Grand Slam: 6 điểm cho chức vô địch, 3 điểm cho ngôi á quân và 1 điểm cho việc vào đến bán kết, Djokovic sẽ là người giành nhiều điểm nhất. Tay vợt người Serbia giành tổng cộng 170 điểm (21 lần vô địch, 11 lần á quân, 11 lần bị loại ở bán kết). Tiếp theo là Federer với 168 điểm (20 lần vô địch, 11 lần á quân, 15 lần bị loại ở bán kết) và cuối cùng là Nadal với 166 điểm (22 lần vô địch, 8 lần á quân, 8 lần bị loại ở bán kết).
Nghịch lý ở hệ quy chiếu này nằm ở chỗ Nadal thấp điểm nhất nhưng lại là người có bản lĩnh vô địch cao nhất. Tay vợt người Tây Ban Nha hiếm khi thất bại khi tiến vào đến các vòng đấu cuối cùng.
Trong trường hợp tính thêm thành tích của Big Three tại Olympic, bảng điểm của họ sẽ trở nên sát nhau hơn. Điều thú vị là cả ba đều thất bại trong nỗ lực giành vàng tại Thế vận hội, bất chấp sự nghiệp đánh đơn lẫy lừng.
Nếu dựa trên khả năng thích ứng của mỗi tay vợt trên các mặt sân khác nhau, Djokovic “vô đối”. Khi nhân số lần vô địch 4 Grand Slam với nhau, tay vợt người Serbia có 378 điểm (9x2x7x3), trong khi Federer chỉ có 240 điểm (6x1x8x5) và Nadal có 224 điểm (2x14x2x4). Nói cách khác, Djokovic có khả năng vô địch trên mọi bề mặt.
Quần vợt đương nhiên không chỉ có Grand Slam. Khi loại bỏ thành tích ở các giải đấu danh giá này, Federer một lần nữa xếp sau các đàn em. Tay vợt người Thụy Sĩ chỉ đạt tỷ lệ thắng 82%, trong khi Djokovic thắng 83,2%, Nadal thắng 83,3% các trận đấu chính thức trong sự nghiệp.
Xét đến thành tích ở Davis Cup, Federer tiếp tục đứng cuối bảng. Nadal dẫn đầu với tỷ lệ gần như hoàn hảo (thắng 29, thua 1, đạt tỷ lệ thắng 96,7%). Djokovic đứng sau với thành tích 38-7 (84,4%) trong khi Federer là 40-8 (83,3%).
Cuối cùng, Federer cũng thua luôn thành tích đối đầu trong Big Three. Djokovic tạm dẫn Nadal với tỷ số 30-29, thắng Federer 27-23, trong khi Nadal dẫn sâu Federer với tỷ số 24-16.
Rõ ràng, Federer sẽ không thể trở thành tay vợt vĩ đại nhất lịch sử nếu dựa vào các con số khô khan. Ngược lại, nếu tính đến những cảm giác khó nắm bắt và diễn tả bằng lời, “Tàu tốc hành” sẽ có vị trí độc nhất.
Nole “đu đỉnh” lâu nhất
Một chỉ số quan trọng khác cũng cần được bàn đến: số tuần giữ ngôi số 1 thế giới. Djokovic vượt trội ở “hạng mục” này với kỷ lục 373 tuần đứng đầu bảng xếp hạng ATP, với tổng cộng 7 năm thi đấu kết thúc mùa giải với vị trí này. Federer có 310 tuần và 5 năm kết thúc với vị trí số 1. Nadal có 209 tuần và 5 năm dẫn đầu thế giới, chủ yếu là vì những chấn thương liên tiếp phải đối mặt trong sự nghiệp.
Federer dẫn đầu ở một chỉ số
Federer giành tổng cộng 103 danh hiệu đánh đơn trong sự nghiệp, vượt xa Nadal (92 danh hiệu) và Djokovic (88 danh hiệu). Số danh hiệu đánh đôi của Federer cũng là cao nhất (17 danh hiệu) dù thực tế, nội dung đánh đôi chỉ là “nghề tay trái” trong quần vợt đỉnh cao. Tuy nhiên, “Tàu tốc hành” lại không phải tay vợt giành nhiều danh hiệu nhất lịch sử. Kỷ lục đó thuộc về Jimmy Connors với 109 lần chiến thắng.