Trong gần 2 thập kỷ, quần vợt nam chỉ xoay quanh 3 cái tên: Roger Federer, Rafael Nadal và Novak Djokovic. Sau này, truyền thông Anh cố gắng “mở rộng” khái niệm trên khi xếp Andy Murray vào nhóm “Big Four”. Thực tế, tài năng của tay vợt người Scotland chưa bao giờ ở chung hàng ngũ với 3 tay vợt đỉnh cao kể trên.
Trong các môn thể thao đồng đội, sự ra đi của một vài nhân tố không làm thay đổi tính chất cạnh tranh, dù có thể nó ảnh hưởng đến sức hấp dẫn. Đó là câu chuyện về sự ra đi của Cristiano Ronaldo và Lionel Messi cùng mối liên hệ với các trận Siêu kinh điển Real Madrid – Barcelona.
Nhưng với các môn thể thao cá nhân như tennis, khi một tay vợt giải nghệ, sự cạnh tranh cũng theo đó đi xa. Những ngày qua, giới mộ điệu nói nhiều về thời khắc giải nghệ của Federer. Đó là buổi lễ giàu cảm xúc, nhưng thực tế bối cảnh ấy không tương xứng với vị thế của tay vợt vĩ đại bậc nhất lịch sử tennis.
Roger Federer giải nghệ sau thất bại trận đánh đôi cùng Rafael Nadal ở Laver Cup – giải đấu thuần giao hữu và mang tính cống hiến. Anh thậm chí không còn được ATP xếp hạng. Những người yêu mến “FedEx” chép miệng, phải chi Federer tận dụng được 2 Championship point ở Wimbledon 2019 và giải nghệ trên đỉnh vinh quang!
Dưới đây là 5 cuộc thư hùng đỉnh cao giữa Federer và 2 kỳ phùng địch thủ Nadal và Djokovic:
Như đã nói, đây là niềm tiếc nuối khôn nguôi với Roger Federer. Sau cuộc đua marathon về thể lực với 4 giờ 57 phút, tỷ số chung cuộc của trận đấu là 7-6, 1-6, 7-6, 4-6 và 13-12 nghiêng về Djokovic. Nhưng Federer mới là người đứng trước ngưỡng cửa chiến thắng hơn là tay vợt người Serbia.
Để có thể chơi trận đấu danh giá này, Federer đã phải vượt qua Nadal trong một trận bán kết 4 set. Nhưng sau cùng anh lại phung phí cơ hội trời ban ấy.
Ở game đấu thứ 16 của set 5 quyết định, khi vừa thắng break-point đặc biệt quan trọng để vượt lên dẫn trước 8-7 và cầm giao bóng dẫn 40-15, tay vợt từng 8 lần lên ngôi ở All England Club có đến 2 cơ hội thắng Championship point. Chỉ cần một cú ace nữa thôi là Federer yên chí bỏ túi Grand Slam thứ 21 và giải nghệ với tư cách tay vợt vĩ đại nhất mọi thời đại. Nhưng đáng tiếc, anh lại bỏ lỡ.
Đầu tiên, đó là pha mở bóng thuận tay với biên độ quá rộng, khiến bóng bay khỏi vạch vôi dọc sân đấu, ngay ở tình huống chạm vợt thứ hai. Khi điểm số là 40-30, anh lại bỏ lỡ cơ hội tiếp theo, một tình huống lên lưới đầy vội vã, để hở sườn, và bị Djokovic “cắt kéo” chéo sân để cân bằng điểm số trong game đấu này. Những gì diễn ra sau đó đã trở thành lịch sử!
Ở tuổi 35, Federer chỉ vừa trở lại sau khi đã nghỉ một thời gian khá dài vì chấn thương đầu gối trong năm 2016. Đối thủ của anh trong trận đấu danh giá đó, như thường lệ là Nadal. Không nhiều kịch tính như ở London 2 năm sau, nhưng Nadal và Federer cũng trải qua trận chung kết 5 set đấu. Chiến thắng 6-4, 3-6, 6-1, 3-6 và 6-3 nghiêng về “Tàu tốc hành”.
Đáng chú ý, đây mới là lần đầu kể từ Wimbledon 2012, Federer mới chinh phục được một giải Grand Slam. David Law, một chuyên gia bình luận tennis và dẫn chương trình “The Tennis Podcast” nhận định: “Cả hai đều không có điểm yếu nào cụ thể. Vấn đề thuộc về khả năng tận dụng cơ hội. Và trong trận này, Federer đã làm tốt hơn Nadal”.
Tính đến trước trận đấu ở London, Federer đã đăng quang ở Wimbledon tới 7 lần, trong khi Djokovic chỉ có 1. Nhưng đã không có cái kết ngọt ngào cho đám đông ở sân Trung tâm, khi Djokovic chứ không phải Federer mới là người nâng cúp.
Đây cũng là trận đấu 5 set, giống như rất nhiều trận đấu 5 set khác giữa Federer và Djokovic. Ở game 9 set 5, khi tỷ số đang là 5-4 nghiêng về Djokovic, Federer giao bóng nhưng Nole mới là người dẫn 40-15. Federer giao bóng, Djokovic trả bằng một cú thuận tay khá tốt. Federer thực hiện cú trái một tay mang tính biểu tượng, song bóng không đi qua lưới. Chung cuộc, chiến thắng 6-7, 6-4, 7-6, 5-7 và 6-4 thuộc về Nole.
Giai đoạn hoàng kim trong cuộc so kè Federer – Nadal. Đó là trận đấu 5 set và kéo dài 4 giờ đồng hồ. Thời gian như ngưng đọng ở Rod Laver Arena, với từng cú giao, mỗi cú trả và đám đông được dịp ồ lên sau một pha bóng ấn tượng.
Nếu thắng trận này, Federer sẽ bỏ túi Grand Slam thứ 14 – cân bằng với thành tích của huyền thoại Pete Samprass. Nhưng Nadal không để điều đó xảy ra. Anh chơi ngoạn mục trên mặt sân cứng nước Úc, đánh bại Federer 7-5, 3-6, 7-6, 3-6 và 6-2.
Sau trận đấu, người ta nhớ mãi về những giọt nước mắt của Federer. Trong buổi lễ trao giải, tay vợt người Thụy Sỹ khóc như một đứa trẻ. Anh thốt lên: “Chúa ơi, thất bại này như đang giết chết tôi”.
Đối với nhiều NHM tennis, trận chung kết Wimbledon 2008 sẽ mãi được nhớ đến như là trận đấu hay nhất lịch sử. Trước thời điểm đó, Federer đã có 5 chức vô địch Wimbledon liên tiếp, và không ai nghi ngờ vào chiến thắng của “Tàu tốc hành”.
Vào các năm 2006 và 2007, bại tướng của FedEx không ai khác ngoài Nadal.
Nhưng một dự cảm chẳng lành đã sớm đến. Trận đấu phải tạm hoãn tới 2 lần vì trời mưa, còn bóng tối đang dần bủa vây do sân Trung tâm không có mái che.
Cuối cùng, sau 4 giờ 48 phút – tại thời điểm 21h16 giờ địa phương, trận đấu khép lại sau khi Federer đánh một quả thuận tay rúc lưới. Nadal nổi tiếng là người có nền tảng thể lực tuyệt vời, nhưng cũng đổ gục xuống sân. Anh bỏ túi Grand Slam sân cỏ đầu tiên nhờ chiến thắng 6-4, 6-4, 6-7, 6-7 và 9-7. Dù đám đông yêu mến Federer, nhưng tất cả phải thừa nhận Nadal của ngày hôm đó xứng đáng với chức vô địch.