“Điều này có công bằng không? Không, nó không công bằng. Nó có hợp pháp không? Tôi không chắc”, Al-Khelaifi nói ngày 28/9 khi được hỏi về việc Barca sử dụng các đòn bẩy kinh tế.
Cũng theo Chủ tịch PSG, UEFA có quy định riêng về tài chính. Nếu Barca thoải mái dùng đòn bẩy, các CLB khác có thể sẽ làm theo. Do đó, ông đề nghị cơ quan lãnh đạo bóng đá châu Âu “xem xét mọi thứ” về Barca.
Hè năm nay, Barca đã bán 25% bản quyền truyền hình La Liga trong 25 năm và 49% cổ phẩn công ty Barca Studios. Số tiền được thu về khoảng 800 triệu USD. Với khoản thu này, Barca báo lãi năm tài chính 2021-2022 và có ngân sách để ký hợp đồng với tám cầu thủ mới.
Kỳ chuyển nhượng của Barca thậm chí trở thành tâm điểm của bóng đá châu Âu. Họ không chỉ ký với Andreas Christensen và Marcos Alonso từ Chelsea theo dạng miễn phí, mà còn qua mặt CLB này để mua Robert Lewandowski, Raphinha, Jules Kounde và gia hạn với Ousmane Dembele. Tổng số tiền mà Barca bỏ ra là 160 triệu USD, thấp hơn nhiều so với hơn 200 triệu của Chelsea và Man Utd.
Những cầu thủ mới đều đang đóng góp tích cực cho Barca. Trong đó, Lewandowski nổi bật với 11 bàn sau tám trận. Raphinha, Franck Kessie và Christensen thì đều hoà nhập rất nhanh.
Theo tờ Marca, Barca đang lên kế hoạch chiêu mộ lại Messi từ PSG. Messi sẽ hết hợp đồng vào tháng 6/2023. Trong khi đó, Al-Khelaifi đang thuyết phục cầu thủ người Argentina gia hạn thêm hai năm.
Barca, Real và Juventus vẫn đang nuôi mộng tổ chức Super League, kế hoạch từng bị phản đối kịch liệt hồi tháng 4/2021. CĐV ở Anh, Tây Ban Nha và Italy từng xuống đường biểu tình. Trong khi đó, PSG không tham gia vào nhóm sáng lập.
“Tôi thực sự chắc chắn rằng sẽ không có ai cho phép Super League diễn ra”, Al-Khelaifi nói. “Chúng ta cần nghĩ đến mọi người, chứ không chỉ nghĩ cho riêng mình. Chúng ta phải tôn trọng người hâm mộ”.
Thanh Quý (theo Marca, Politico)