Ở bảng B, U17 Guam từng thua U17 UAE 0-9 và đặc biệt còn hứng chịu cơn mưa gôn đến 0-14 trước U17 Indonesia. Không quá khi cho rằng đây là đội bóng “lót đường”.
Trước một đối thủ yếu đến nổi… không thể yếu hơn ấy, U17 Malaysia tưởng chừng sẽ dễ dàng “ăn tươi nuốt sống” U17 Guam. Nhưng cú sốc đã xảy ra.
U17 Malaysia trình diễn lối chơi khá nhạt nhòa, bế tắc trong việc đưa bóng vào khung thành của đối phương suốt hơn 2/3 thời gian của trận đấu. Phải đến phút 73, cầu thủ vào sân thay người Muhammad Gahir mới ghi được bàn thắng khai thông thế bế tắc cho đội nhà.
Những tưởng chiến thắng đã nằm trong tầm tay dù rất chật vật thì đến phút 84, Riku Ngeschekle Meyar bất ngờ ghi bàn thắng quân bình tỷ số 1-1 trên sân.
Trận hòa này tạm thời gúp cho U17 Malaysia leo lên vị trí thứ 2 trên BXH với 4 điểm, đứng sau U17 UAE (6đ) nhưng đứng trên U17 Indonesia (3đ). Tuy nhiên, U17 Indonesia mới đá 1 trận. Các vị trí tiếp theo ở bảng B này là Guam (1 điểm) và Palestine (0 điểm).
Chỉ kiếm được 4 điểm trước hai đối thủ yếu nhất bảng, U17 Malaysia trước mắt còn đối mặt với các đối thủ mạnh là U17 UAE và U17 Indonesia nên khả năng trắng tay là rất cao.
Rõ ràng, nguy cơ các cầu thủ đàn em ở U17 Malaysia tiếp bước đàn anh ở U20 Malaysia không thể giành vé dự VCK là rất lớn. Trước đó, U20 Malaysia cũng bị loại sớm dù giành chức vô địch U19 Đông Nam Á 2022.