World Cup 1938 đã chịu ảnh hưởng không nhỏ của những lò lửa chiến tranh đang hầm hập khắp nơi. Cuộc chiến Trung – Nhật lần 2 khiến Nhật Bản rút tên ở vòng loại, dẫn đến sự kiện hy hữu là đội Đông Ấn thuộc Hà Lan (Dutch East Indies, tức Indonesia ngày nay) nghiễm nhiên có mặt ở VCK. Một đội “lót đường” khác là Cuba cũng xuất hiện ở VCK, lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng đến tận bây giờ, khi cả 6 đối thủ của họ ở Bắc Mỹ, Trung Mỹ, Nam Mỹ và vùng Caribbe đều lần lượt rút tên. Cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha khi ấy đã đến giai đoạn ác liệt nhất và dĩ nhiên ĐT Tây Ban Nha không thể tham gia vòng loại. Còn Áo, sau khi vượt qua vòng loại, đã bị phát xít Đức nuốt chửng, khiến VCK khuyết đi một đội.
BRAZIL BẮT ĐẦU LÊN TIẾNG
Cũng vì khắp nơi đang mải lo chuẩn bị cho chiến tranh, FIFA đã chọn Pháp tổ chức VCK như một quyết định nặng tính chính trị, làm Argentina bất bình rút tên khỏi World Cup (Argentina nghĩ rằng họ xứng đáng đăng cai, theo nguyên tắc luân phiên tổ chức VCK ở châu Âu và Nam Mỹ).
Uruguay thì đến lúc này vẫn đang hậm hực chuyện các nước châu Âu tẩy chay World Cup 1930 và họ tiếp tục khoanh tay đứng ngoài. Vương quốc Anh vẫn chưa trở lại hàng ngũ FIFA. Coi như chỉ có Brazil tranh chấp với các đối thủ châu Âu tại World Cup này. Trên thực tế, tuy rút cuộc chỉ đứng hạng 3 nhưng Brazil đã để lại dấu ấn sâu đậm trên sân cỏ Pháp.
Đấy cũng chính là lần đầu tiên nền bóng đá Samba gây được tiếng vang ở đấu trường World Cup. Với họ, “chỉ” đứng thứ 3 là đã coi như thất bại, dù đây là lần đầu tiên Brazil vươn đến được vị trí này.
Vua phá lưới Lenonidas (trái) đã giúp ĐT Brazil lần đầu gây tiếng vang ở World Cup
Vấn đề không chỉ là thành tích. Ai cũng thấy rõ, ĐT Brazil tại World Cup này đã khác hẳn so với chính họ trong 2 kỳ World Cup hoàn toàn mờ nhạt trước đó. Bây giờ, mọi người đều biết: Hễ đã nói về lịch sử World Cup thì Brazil chính là ĐT phải được nói đến đầu tiên và nhiều nhất. World Cup 1938 chính là cột mốc đáng nói đầu tiên về Selecao.
Khác biệt đáng kể là sự tỏa sáng của các ngôi sao da đen Leonidas và Domingos da Guia. Chỉ kể từ thập niên 1930, xã hội Brazil mới bắt đầu chấp nhận sự hiện diện của các cầu thủ da đen. Và cũng chỉ kể từ khi các ngôi sao da đen được bước vào hàng ngũ Selecao, ĐT Brazil mới thực sự vươn mình trở thành đội bóng hàng đầu thế giới.
Sau Leonidas và Domingos là Zizinho, Didi, Pele, Garrincha hay Ronaldinho…, biết bao thế hệ ngôi sao da màu (cùng những phẩm chất riêng tuyệt vời của họ) đã cùng góp phần làm nên truyền thống tuyệt vời cho ĐTQG nổi tiếng nhất thế giới.
TƯỢNG ĐÀI POZZO
Tất nhiên, ấn tượng sâu đậm mà ĐT Brazil để lại không nói lên rằng ĐT Italia không xứng đáng với chức vô địch World Cup 1938!
4 năm trước đó (1934), Italia đăng quang ngay tại sân nhà và dù xứng đáng hay không, Azzurri vẫn mang tiếng hưởng lợi từ sự hậu thuẫn của nhà độc tài Benito Mussolini. Nhưng lần này, Italia loại chủ nhà Pháp ngay vòng 2, thắng Brazil ở bán kết và thắng Hungary 4-2 một cách thuyết phục trong trận chung kết. HLV Vittorio Pozzo chỉ giữ lại 2 cầu thủ từ đội hình vô địch World Cup 1934, một trong số đó là huyền thoại Giuseppe Meazza.
Chiến thắng xứng đáng tại World Cup 1938 đã khẳng định Italia chính là cường quốc bóng đá số 1 thế giới trong thập niên 1930. Azzurri trở thành ĐT đầu tiên trong lịch sử bảo vệ thành công chức vô địch World Cup, còn Pozzo đi vào lịch sử với tư cách HLV duy nhất xưa nay 2 lần vô địch World Cup.
Một trong những chi tiết đáng nhớ nhất về HLV Pozzo là ông đã yêu cầu các tuyển thủ Italia giữ nguyên cách chào kiểu phát xít cho đến khi nào những tràng la ó chế diễu và phản đối trên khán đài dứt hẳn mới thôi.
Sau này, người ta đưa ra bằng chứng cho thấy HLV Pozzo từng giúp các tù nhân của phe đồng minh vượt ngục trong chiến tranh. Có nghĩa, ông chẳng hề cổ súy chủ nghĩa phát xít. Còn chuyện giúp các cầu thủ Italia vượt qua áp lực và sự thù hằn từ phía khán đài thì đấy là thành công đáng được tôn trọng của HLV Pozzo.
Có hay không chuyện Mussolini gửi điện cho các tuyển thủ Italia với nội dung ngắn gọn trước trận chung kết: “Thắng hoặc chết?”. Thứ nhất, đấy chỉ là câu chuyện truyền khẩu. Thứ hai, các nhà nghiên cứu cho rằng đấy là cách nói thông dụng ở Italia trong thời Mussolini, hơn là sự đe dọa.
Dù sao đi nữa, không ai có thể phủ nhận áp lực nặng nề từ mọi phía đối với thầy trò Pozzo tại World Cup 1938. Điều đó càng nói lên sự xuất sắc của ĐT Italia trong kỳ World Cup cuối cùng trước Thế chiến II.
Azzurri đăng quang trên “sân khách”
Sau 2 kỳ World Cup đầu đều chấm dứt với chiến thắng thuộc về đội chủ nhà (Uruguay 1930 và Italia 1934), ĐT Italia trở thành nhà VĐTG đầu tiên đăng quang bên ngoài lãnh thổ nước mình. Đây được xem là một bước ngoặt của giải đấu, bởi 2 chiến thắng trước đó của các đội chủ nhà khiến VCK World Cup bị dư luận nghi ngờ về tinh thần thể thao chân chính.
KỶ LỤC CHỜ PHÁ
11 bàn thắng và tỷ số sít sao
Wilimowski (giữa) ghi 4 bàn nhưng Ba Lan vẫn thua
Trận Brazil-Ba Lan (Brazil thắng 6-5 sau 2 hiệp phụ) ở vòng 1 xuất hiện đồng thời 2 kỷ lục. Thứ nhất, đó là trận đấu duy nhất cho tới nay trong lịch sử VCK World Cup có chênh lệch sít sao giữa đôi bên, nhưng với nhiều bàn thắng nhất (11). Thứ nhì, tiền đạo Ernest Wilimowski của ĐT Ba Lan trở thành người ghi nhiều bàn nhất trong một thất bại, với 4 lần phá lưới Brazil. Với bóng đá hiện đại ngày nay, thực khó tưởng tượng 2 kỷ lục trên sẽ bị phá.
NGÔI SAO CỦA GIẢI
Leonidas phát minh ra “xe đạp chổng ngược”?
Leonidas (Brazil) đã trở thành Vua phá lưới tại VCK World Cup 1938 với 7 bàn thắng. Trong cú hat-trick của ông trước Ba Lan, có 1 bàn được ghi theo kiểu “xe đạp chổng ngược”. Không rõ Leonidas có phải người phát minh ra kiểu ghi bàn này hay không, nhưng có sách đã ghi rằng ở thời điểm ấy, kể cả trọng tài cũng ngớ người, mất tới vài giây mới quyết định công nhận bàn thắng, bởi không chắc bóng đá có cho phép cầu thủ thực hiện động tác đó hay không!
BẠN CÓ BIẾT?
Sindelar chết vì World Cup 1938
Sau khi Áo bị Đức quốc xã “sáp nhập” vào năm 1938, tiền đạo Matthias Sindelar đã từ chối thi đấu cho ĐT Đức ở VCK World Cup 1938. Thậm chí, ông còn ăn mừng bàn thắng một cách quá khích khi giúp Áo thắng Đức 2-0 hồi tháng 4/1938. Ngày 23/1/1939, “Mozart của bóng đá” (biệt danh của Sindelar) và bạn gái qua đời tại căn hộ của họ ở Vienna (Áo). Nhà cầm quyền lúc đó thông báo Sindelar tự sát bằng khí độc, nhưng tất cả đều tin ông bị ám sát vì chống đối phát xít.
33- Với 3 bàn vào lưới Cuba trong trận thắng 8-0, tiền đạo Tore Keller của Thụy Điển là người già nhất trong lịch sử VCK World Cup lập hat-trick (33 tuổi, 159 ngày), kỷ lục vẫn tồn tại tới ngày nay.
TỔNG QUAN
Nước chủ nhà: Pháp
Thời gian diễn ra: Từ 4/6 đến 19/6/1938
Số đội tham dự: 16 đội, đá loại trực tiếp
Các SVĐ:
Fort Carre (Antibes), Parc Lescure (Bordeaux), Stade Municipal (Le Havre), Victor Boucquey (Lille), Parc des Princes, Olympique de Colombes (Paris), Velodrome (Reims), De la Meunau (Strasbourg), Gerland (Lyon), Velodrome (Marseille), Chapou (Toulouse).
CHUNG CUỘC
– Vô địch: Italia.
– Á quân: Hungary.
– Hạng 3: Brazil.
– Hạng 4: Thụy Điển.
– Vua phá lưới: Leonidas (Brazil, 7 bàn).
– Số trận đấu: 16
– Số bàn thắng: 78