“Với Super League, các CLB sẽ tự chi phối vận mệnh của mình. Chúng tôi sẽ là người tổ chức cuộc chơi”, Joan Laporta khẳng định tại đại hội đồng thành viên Barca hôm 9/10. “Super League sẽ giải quyết mọi vấn đề, đồng thời mang đến một cuộc chơi hấp dẫn, cạnh tranh và công bằng hơn”.
Bên cạnh việc tự tổ chức, Chủ tịch Barca cũng ủng hộ Super League vì thuận lợi về mặt pháp lý. Tòa án Madrid từng bác bỏ các hình phạt mà UEFA nhằm vào 12 CLB sáng lập giải. Ngoài ra, tòa án Luxembourg cũng đang xem xét lại vị trí thống trị của tổ chức này đối với bóng đá châu Âu.
Một lý do khác khiến Laporta trông đợi hơn vào Super League là khả năng giải quyết các vấn đề kinh tế và CĐV. Theo ông, các CLB đang phải chịu mọi rủi ro và chi phí. Trong khi đó, bóng đá châu Âu đang bộc lộ hạn chế về khán giả, khả năng thu hút người hâm mộ mới và khả năng cạnh tranh với những hình thức giải trí khác.
Cùng Real, Juventus, Atletico, Milan, Inter, Arsenal, Man Utd, Man City, Chelsea, Tottenham và Liverpool, Barca đã công bố kế hoạch Super League từ tháng 4/2021. Theo ý tưởng ban đầu, giải quy tụ 18 CLB hàng đầu. Tuy nhiên, kế hoạch đã vấp phải sự phản đối của CĐV, chính quyền và UEFA. Sau khi chín CLB rút lui, Super League chỉ còn sự ủng hộ của Barca, Real và Juventus.
Theo Chủ tịch Real, Florentino Perez, bóng đá châu Âu chưa có nhiều trận đấu giữa các CLB lớn. Ông lấy ví dụ về việc Real chỉ gặp Chelsea bốn lần và Liverpool chín lần trong 67 năm lịch sử các Cup châu Âu. Theo Perez, việc tước bỏ các trận đấu đỉnh cao là sự bất công với CĐV và khiến bóng đá trở nên nhàm chán.
Thanh Quý (theo MD)