Nước mắt Brazil
Brazil bước vào World Cup 1982 với một thế hệ kiệt xuất. Họ sở hữu những nghệ sĩ sân cỏ đúng nghĩa. Socrates, Falcao hay Zico đều có thể làm vỡ òa cả SVĐ bằng những pha bóng mê hoặc. Tập thể có nhiều ngôi sao đó lại được HLV Tele Santana cho phép chơi tự do đã giúp Brazil trở thành một đội bóng biến ảo. Họ ghi những bàn thắng đẹp mĩ mãn, khiến đối thủ tâm phục khẩu phục. Sau khi thảm bại 1-4 trước Brazil, HLV Jock Stein của Scotland không cay cú mà ngay lập tức ca ngợi đối thủ: “Nếu Brazil vô địch World Cup 1982 thì đấy là điều tốt cho bóng đá. Chúng tôi không cảm thấy xấu hổ khi thua một đội bóng như thế”.
Brazil là một cỗ máy tấn công biến ảo và đầy màu sắc. Thế nhưng, người đăng quang lại không phải là họ. Đội bóng áo vàng-xanh thậm chí còn không lọt vào đến bán kết. Đứng trên bục vinh quang vào ngày World Cup 1982 hạ màn là Italia. Cuộc chạm trán giữa Brazil và Italia tại vòng bảng thứ hai có thể xem là trận đấu kinh điển trong lịch sử World Cup. Để rồi thứ bóng đá bay bổng nhưng thiếu tính toán của Brazil đã gục ngã trước người Italia.
Sau khi trận đấu kết thúc với chiến thắng 3-2 thuộc về Italia, tiền vệ Zico bên phía Brazil tuyên bố: “Chúng tôi chơi bóng đá nghệ thuật, còn Italia thì phản nghệ thuật”. Nhưng sau này nhìn lại, Zico thừa nhận lẽ ra đội bóng của ông sẽ giành vé đi tiếp nếu tỉnh táo và bớt bay bổng hơn.
Brazil đứng trên Italia khi hai đội gặp nhau ở lượt trận cuối vòng bảng thứ hai. Chỉ cần một kết quả hòa là Selecao giành vé vào bán kết. 2/3 thời gian đầu trận là cuộc rượt đuổi tỷ số giữa hai đội, với những bàn thắng liên tiếp được ghi. Đến phút 65, tỷ số là 2-2 và đó là kết quả có lợi cho Brazil. Nếu Selecao chủ động giữ chắc bóng, làm giảm nhịp độ trận đấu, họ sẽ có cơ hội lớn để đi tiếp. Nhưng theo thói quen, Brazil lại dồn lên tấn công, đẩy tốc độ trận đấu lên cao. Để rồi sự bay bổng nhưng thiếu tính toán của họ đã bị trừng phạt bởi tính thực dụng và lạnh lùng từ người Italia. Vượt qua chướng ngại khó khăn nhất mang tên Brazil, Italia đi tiếp và sau đó lên ngôi vô địch.
Thay đổi tư duy
Giống như Brazil, Pháp cũng đến với World Cup 1982 bằng lối đá tấn công đẹp mắt. Tuyến giữa gồm hàng loạt tài năng như Michel Platini, Alain Giresse, Jean Tigana… giúp Pháp trở thành đội bóng thi đấu sáng tạo bậc nhất giải đấu năm đó. Nhưng rồi Pháp cũng đành dừng bước ở bán kết, trước sự lạnh lùng và cả những pha bóng thô bạo của Tây Đức. Loạt sút luân lưu với phần thắng 5-4 thuộc về Tây Đức đã đi vào lịch sử. Đây là lần đầu tiên một trận đấu thuộc World Cup được giải quyết bằng sút luân lưu.
Dù vậy, chi tiết đáng nhớ nhất của trận đấu, được nhắc lại nhiều năm sau đó là pha vào bóng ghê rợn của thủ môn Harald Schumacher đối với Patrick Battiston bên phía Pháp. Schumacher lao cả hai chân hai tay, nhắm trực diện vào đối thủ. Hậu quả là Battiston bất tỉnh ngay khi dính đòn, lúc còn lơ lửng trên không. Kết quả thăm khám cho thấy, Battiston gãy 3 chiếc răng, rạn 3 xương sườn và có vài đốt sống bị biến dạng. Phải mất 6 tháng điều trị, tuyển thủ Pháp này mới có thể sinh hoạt như người bình thường.
Thất bại của Pháp và đặc biệt là với Brazil tại World Cup 1982 đã thay đổi quan điểm về bóng đá nghệ thuật. Những VCK sau đó, Brazil không còn giữ thói quen nhồi nhét nhiều ngôi sao tấn công vào một tập thể. Họ cũng dần chuyển theo hướng thực dụng hơn. Dấu ấn của thực dụng và toan tính sau này được thể hiện khá rõ nét trong hai lần Brazil vô địch World Cup vào các năm 1994 và 2002.
44 Italia đã phải chờ đợi tới 44 năm mới được tận hưởng trở lại niềm vui vô địch World Cup. Đây là khoảng thời gian dài nhất giữa hai lần đăng quang World Cup của một đội tuyển, từ 1938 đến 1982. |