Tại sao Serena Williams lại nhanh chóng thay đổi quyết định đến thế? Cần nhớ rằng, kể từ Australia Open 2017 đến nay, cô em nhà Williams đã không chinh phục thêm một Grand Slam nào nữa. Theo lý giải, có 3 nguyên nhân khiến tay vợt 41 tuổi này chưa thể rời xa nghiệp cầm vợt.
1. Tham vọng cân bằng và vượt qua kỳ tích 24 Grand Slam đơn nữ của huyền thoại Margaret Court. Serena từng khóc nhiều lần, sau những thất bại ở chung kết Wimbledon 2018, 2019 và US Open 2018, 2019. Có đến 4 trận chung kết nhưng không một lần cô thành công.
2. Nỗ lực thuyết phục em gái trở lại từ người chị Venus Williams. Bên cạnh sự nghiệp đánh đơn lừng lẫy, chị em nhà Williams là một trong những cặp đôi nữ
thành công nhất lịch sử. Họ đoạt 14 Grand Slam, giành huy chương vàng Olympic 2000, 2008 và 2012. Ở tuổi 42, Venus cho rằng mình và em gái Serena kém 1 tuổi vẫn có thể cùng nhau đánh cặp những năm tới vì nội dung này không đòi hỏi nhiều thể lực.
3. Đơn giản là vì tiền. Trong năm 2022, Serena Williams chỉ chơi khoảng 30 trận. Thế nhưng, nhà vô địch của 23 Grand Slam đơn nữ vẫn bỏ túi 35,5 triệu USD, đứng thứ hai trong bảng xếp hạng các tay vợt nữ có thu nhập cao nhất, chỉ kém Naomi Osaka (52 triệu USD). Ở tuổi 41, nếu nghỉ tennis, Serena biết làm gì để kiếm được nhiều tiền đến thế?
Và ngược dòng lịch sử, chúng ta từng được chứng kiến nhiều cuộc trở lại ngoạn mục hơn thế. Dưới đây là 5 nhân vật mà sự trở lại của họ đã khiến thế giới tennis thực sự chao đảo.
Kim Clijsters: 3 Grand Slam kỳ vĩ
Kim Clijsters chỉ giành được 1 Grand Slam cho đến khi tuyên bố giải nghệ vào 5/2007. Chiến thắng duy nhất của tay vợt người Bỉ là tại US Open 2005. Clijsters đã vào đến chung kết Roland Garros 2001 và 2003, nhưng lần lượt để thua Jennifer Capriati cũng như Justin Henin-Harden.
Thật bất ngờ, 2 năm sau khi giải nghệ và ở tuổi 26, Clijsters trở lại với tennis. Đó là một màn trở lại huy hoàng của cựu số 1 thế giới người Bỉ. Ở US Open 2009 – giải đấu thứ ba mà Clijsters chơi sau khi trở lại, cô đã xuất sắc giành chiến thắng và bỏ túi Grand Slam thứ hai trong sự nghiệp.
Thừa thắng xông lên, Clijsters bảo vệ thành công chức vô địch ở US Open 2010, sau đó thắng thêm Australian Open 2011. Như vậy, toàn bộ 4 Grand Slam mà Kim giành được đều diễn ra trên mặt sân cứng. Sau năm 2012, Kim Clijsters giải nghệ lần thứ hai. Và bạn tin được không, đến năm 2020, Clijsters trở lại một lần nữa, song lần này không thi đấu thành công vì tuổi đã quá cao.
Martina Navratilova: 6 năm cho một cuộc tình
Một trong những ngôi sao quần vợt vĩ đại nhất từng chơi môn thể thao này – Martina Navratilova, nói lời chia tay vào năm 1994 với 18 danh hiệu Grand Slam đơn và 31 danh hiệu đôi. Tuy nhiên, bà đã gây chấn động thế giới khi tuyên bố trở lại làng quần vợt vào năm 2000.
Martina Navratilova không giành thêm Grand Slam nào nữa ở nội dung đánh đơn, nhưng chuyến trở lại không hề uổng phí. Tay vợt sinh năm 1956 giành chức vô địch Australian Open và Wimbledon đôi nam nữ vào năm 2003.
Navratilova cùng với chuyên gia đánh đôi người Mỹ Bob Bryan chinh phục US Open 2006. Sau đó, bà quyết định nghỉ hưu khi còn hơn 1 tháng nữa thôi là đón sinh nhật tuổi 50, phá kỷ lục của chính mình với tư cách nhà vô địch Grand Slam lớn tuổi nhất (49 tuổi, 10 tháng).
Martina Hingis: Ngày trở lại nhiều nước mắt
Martina Hingis đã phá nhiều kỷ lục khi còn trẻ, bao gồm cả việc là tay vợt trẻ nhất từng giành được danh hiệu Grand Slam. Tuy nhiên do chấn thương, tay vợt nữ người Thụy Sỹ buộc phải giải nghệ khi mới 22 tuổi. Thời điểm ấy, Hingis đã bỏ túi tới 7 Grand Slam đơn nữ, với danh hiệu đầu tiên là Australian Open 1997 giành được khi mới 16 tuổi.
Hingis trở lại vào năm 2006 nhưng bị cấm thi đấu 2 năm vì sử dụng cocaine cũng như bị chấn thương giày xéo. Đến năm 2013, cựu số 1 thế giới trở lại một lần nữa, chủ yếu chơi ở nội dung đánh đôi. Hingis đã gặt hái nhiều thành công khi đánh cặp với Sania Mirza và Leander Paes.
Margaret Court: Theo chồng vẫn không bỏ cuộc chơi
Tay vợt nữ vĩ đại nhất mọi thời đại Margaret Court đã có 13 danh hiệu Grand Slam đơn nữ trước khi tạm nghỉ để lấy chồng ở tuổi 24. Cuối năm 1967, Margaret trở lại. Không có điểm dừng, bà tiếp tục chơi và tỏa sáng rực rỡ, giành thêm 11 Grand Slam đơn nữ và 20 Grand Slam đôi nam nữ. Bà tạm nghỉ một lần nữa sau khi mang thai và sinh đứa con thứ ba.
Phải đến khi sinh người con thứ tư năm 1977, Margaret Court mới hoàn toàn kết thúc sự nghiệp tennis vĩ đại của mình. Bà đang giữ kỷ lục 24 Grand Slam, trở thành tay vợt nữ vĩ đại nhất lịch sử. Và đó cũng là nỗi ám ảnh của Serena Williams, người đang có trong tay Grand Slam đơn nữ thứ 23.
Bjorn Borg: Câu chuyện về chiếc vợt gỗ
Cựu tay vợt người Thụy Điển thống trị làng tennis những năm 1970, và là tay vợt xuất sắc bậc nhất trong thế hệ của mình. Ông cùng với John McEnroe và Jimmy Connors hình thành thế chân vạc của làng tennis nam lúc đó.
Bjorn Borg đã giành được 11 Grand Slam kể từ 1974 đến 1981, bao gồm 6 danh hiệu Pháp mở rộng và 5 Wimbledon. Tuy nhiên, vào năm 1983, ông ra quyết định giải nghệ ở tuổi 26 do cảm thấy không còn động lực cũng như đã trở nên kiệt sức.
Mãi đến năm 1991, Bjorn Borg trở lại, trên tay cầm chiếc vợt gỗ lỗi thời. Cũng vì đã rời xa tennis quá lâu, Bjorn Borg không giành thêm được Grand Slam nào nữa và hoàn toàn đoạn tuyệt với tennis vào năm 1993.