– PV: Rất vui được gặp ông, ông Bae Jiwon. Ông có thể giới thiệu thêm về bản thân không? Ông đã ở Việt Nam được bao lâu? Và hiện tại đang làm gì tại Viettel FC?
– Ông Bae Jiwon: Xin chào, rất vui được gặp anh. Tôi đã làm HLV trưởng của Viettel FC kể từ tháng Một năm 2022. Trước đó, tôi làm việc trong ban huấn luyện của HLV Park Hang-seo ở đội tuyển Việt Nam và đội U-23 Việt Nam.
– Trên trang Facebook cá nhân, ông vừa đưa ra những quan điểm rất thú vị về vấn đề huấn luyện thể lực ở bóng đá Việt Nam. Hãy đi sâu hơn vào vấn đề này, từng phần một, nhé. Trước tiên, ông suy nghĩ thế nào về công tác huấn luyện thể lực ở các CLB Việt Nam nói chung? Các đội bóng ở đây đang thiếu điều gì? Cần phải cải thiện điều gì? Hãy nói về các đội một trước.
– Với các đội bóng khác thì nói thật là tôi không nắm chi tiết. Tôi biết là nhiều đội bóng hiện tại đang làm việc với những HLV thể lực giỏi. Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm có được sau quá trình làm việc với đội tuyển quốc gia Việt Nam trước đây và bây giờ là Viettel, tôi nghĩ là mình cũng đã có được hiểu biết khái quát về bóng đá Việt Nam.
Trước hết, phải nhấn mạnh rằng tất cả những gì tôi chia sẻ sau đây đều là những ý kiến cá nhân của tôi về môi trường chung cũng như các vấn đề khác nhau của bóng đá Việt Nam.
Bởi vì tôi từng làm việc với tư cách HLV thể lực ở đội tuyển quốc gia và hiện đang là HLV của Viettel, tôi hiểu rõ quy trình tập luyện cũng như môi trường của các cầu thủ.
Nói cụ thể cần phải làm những gì để cải thiện tôi cho là hơi phức tạp, thế nên để cho đơn giản tôi sẽ chỉ trình bày những ý tưởng cho tương lai thôi.
Hành trình tới World Cup là rất phức tạp. Có rất nhiều khó khăn. Trước hết, Việt Nam cần phải tăng cường cả chất lượng lẫn số lượng của lực lượng nhân sự trẻ và tiềm năng. Cần phải tạo ra một môi trường đào tạo ổn định cho các HLV.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần phải cải thiện chất lượng của các cơ sở tập luyện cũng như các sân vận động.
Còn để nói đơn giản làm thế nào mà cải thiện được tình trạng thể lực thì là điều gần như bất khả thi. Bởi vì nó đòi hỏi rất nhiều yếu tố, ví dụ như dinh dưỡng, thiết bị tập luyện, cấu trúc CLB, các hệ thống và nhiều vấn đề khác nữa.
– Cũng trên Facebook ông viết rằng “tôi nhận ra là đang tồn tại một xu hướng, rằng những bài tập có đang nặng về tính lặp lại, trong khi lại không có sự hiểu biết và giải thích cặn kẽ.” Ông có thể nói rõ hơn về điều này được không?
– Giữa một cầu thủ trẻ với một cầu thủ trưởng thành, nội dung và quy trình tập luyện là khác nhau. Quy trình đào tạo trẻ đòi hỏi nhiều giải thích và minh họa (thị phạm) hơn, trong khi ở các đội bóng chuyên nghiệp đòi hỏi những quy trình tập luyện phức tạp, nhiều thách thức và ở trình độ cao.
Nếu Việt Nam muốn đạt tới trình độ World Cup, thì điều kiện bắt buộc là chất lượng giao dục, chất lượng đào tạo cũng phải được nâng cao tới trình độ của World Cup.
– Thế còn các đội trẻ thì sao? Ông có nghĩ là các cầu thủ trẻ Việt Nam đang có được sự chuẩn bị tốt nhất cho bóng đá trình độ cao, trước hết là về mặt thể lực?
– Câu trả lời cũng tương tự như trên thôi. HLV của các đội trẻ cũng cần phải thích nghi nhanh chóng với những xu hướng trong bóng đá hiện đại, bằng những phương pháp huấn luyện có hệ thống và những nền tảng giáo dục chất lượng.
– Hầu như tất cả các cầu thủ Việt Nam khi ra nước ngoài, mà gần nhất là Văn Hậu và Quang Hải, đều thú nhận rằng họ cảm thấy rất khó khăn trong việc thích nghi với cường độ ở đội bóng mới, cả trong tập luyện lẫn thi đấu, ít nhất là trong giai đoạn đầu… Vậy theo ông thì cần phải làm gì để điều này sẽ không lặp lại với những cầu thủ khác?
– Tôi hiểu 100% những cảm xúc của họ. Các cầu thủ Hàn Quốc cũng từng có giai đoạn gặp rất nhiều khó khăn trong việc thích nghi với các nền bóng đá trình độ cao hơn như thế trong quá khứ. Tuy nhiên, các cầu thủ trẻ Hàn Quốc từ nhiều năm nay đã được trưởng thành dưới những điều kiện tương đồng với ở châu Âu. Ở K-League, chúng tôi có những chiến lược nuôi dưỡng các tài năng trẻ, hiện đại hóa sân tập và sân thi đấu, nâng cấp hệ thống trang thiết bị và cơ sở vật chất ở mỗi CLB…
Đó chính là nền tảng cho sự ra đời của một ngôi sao tầm vóc thế giới như Son Heung-min.
– Theo quan điểm của ông thì liệu Hoàng Đức đã đủ sẵn sàng để chơi bóng ở nước ngoài chưa?
– Tất nhiên là có. Tuy nhiên, cũng như trường hợp của Văn Hậu, chúng ta cần phải tính tới nhiều yếu tố khác nhau và có sự chuẩn bị. Các cầu thủ Việt Nam trước hết cần phải nâng cao chất lượng của bản thân, thông qua việc tập luyện nhiều hơn và với cường độ cao hơn.
Cá nhân tôi nghĩ rằng cầu thủ Việt Nam nên cố gắng thích nghi với các nền bóng đá lớn ở châu Á, ví dụ như Hàn Quốc hay Nhật Bản, trước đã, thay vì đi thẳng tới các đội bóng châu Âu.
– Cầu thủ Hàn Quốc nổi tiếng với nền tảng thể lực tuyệt vời. Son Heung-min, ví dụ, nhanh hơn và thậm chí khỏe hơn không ít cầu thủ ở Premier League, giải đấu được đánh giá là khắc nghiệt nhất thế giới. Bóng đá Hàn Quốc đã làm thế nào? Liệu chúng tôi có thể học hỏi được gì không?
– Như tôi đã nói ở trên, rất khó để đưa ra luôn một giải pháp cụ thể. Việt Nam vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết, ví dụ như giáo dục, dinh dưỡng, tư duy, sự hỗ trợ…
– Một chuyên gia châu Âu đang làm việc ở Việt Nam nói với tôi rằng ông ta thấy các bài khởi động ở phần lớn các CLB Việt Nam đang bị lỗi thời, không hiệu quả, thậm chí gây nguy hiểm. Ông có đồng ý với quan điểm đó không?
– Tôi cũng không biết nữa. Tôi nghĩ là không phải tất cả các đội đều như thế đâu. Tuy nhiên, có một điều rõ ràng ở đây: tất cả mọi người nên tự nhận thấy mình đang thiếu gì, điều gì cần phải cải thiện, để rồi cùng cố gắng hướng tới sự phát triển. Ngoài ra, cũng cần cả sự quan tâm và ủng hộ của chính phủ nữa.
– Ông cũng viết rằng ở Việt Nam, giai đoạn tiền mùa giải đang bị nhiều đội bóng xem nhẹ…
– Đấy là ý kiến cá nhân của tôi. Tôi không thể nói chắc là tất cả các đội đều như vậy. Tuy nhiên, như đã nói, nhờ kinh nghiệm làm việc với các đội tuyển và bây giờ là Việt Nam, tôi có được một số thông tin và đó là cảm nhận của tôi.
– Ông có nghĩ rằng một trong những vấn đề của bóng đá Việt Nam là các cầu thủ chưa ít trận quá không? Việc một cầu thủ ở các giải châu Âu đá 40 đến 50 trận mỗi mùa là bình thường, nhưng ở Việt Nam con số này thấp hơn nhiều, đặc biệt với những cầu thủ không phải là tuyển thủ quốc gia.
– Tôi đồng ý với nhận định này. Tuy nhiên, đây là vấn đề mang tính tổng thể, với cả hệ thống, nên tôi nghĩ là ở vị trí của mình tôi không thể đề cập chi tiết được.
– Thêm một câu hỏi nhé. Về mặt thể lực, ông ấn tượng với cầu thủ nào nhất? Tại sao?
– Cá nhân tôi ấn tượng nhất với Văn Hậu. Với sức mạnh thể chất, tốc độ và phong cách chơi bóng mạnh mẽ của mình, anh ấy hoàn toàn có thể thích nghi được với giải vô địch Hàn Quốc.
– Cám ơn ông rất nhiều!