Năm 2014, chuyên gia dinh dưỡng của Everton không hài lòng khi thấy Romelu Lukaku đi đến chỗ ngồi trong căng tin Finch Farm, cầm theo một chiếc đĩa với một số bánh mì tròn. “Protein ở đâu trên cái đĩa này?”, ông thì thầm vào tai Lukaku. Tiền đạo Bỉ, vì thế, phải quay lại lấy một số quả trứng luộc. Chỉ khi đó, bữa sáng của Lukaku mới đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Chế độ dinh dưỡng của các cầu thủ đã thay đổi rất nhiều. Những cảnh tượng như Matt Le Tissier đứng mua đồ ăn nhanh tại cửa hàng McDonalds trên đường đến sân tập của Southampton, hay Steve Howey uống bia trong cả bữa sáng, bữa trưa và bữa tối thời ở Newcastle đã không còn xuất hiện tại Ngoại hạng Anh.
Để cải thiện thể trạng, chuyên môn, chế độ dinh dưỡng của các ngôi sao bóng đá bây giờ trở thành một môn khoa học. Trong đó, việc cấm gia vị ở các bữa ăn – một động thái quen thuộc của các HLV tại Ngoại hạng Anh – chỉ là phần nổi. “Chế độ dinh dưỡng có thể tạo ra sự khác biệt, ít nhất 10%, giữa khi bạn làm sai và khi bạn làm đúng”, Don Maclaren – giáo sư chuyên nghành dinh dưỡng thể thao đầu tiên của Anh – nói với Sportmail.
Chế độ dinh dưỡng chính là một trong những lĩnh vực đầu tiên mà tân HLV Man Utd, Erik ten Hag điều chỉnh sau khi tiếp quản ghế nóng của người tiền nhiệm Ralf Rangnick. Theo đó, HLV Hà Lan cấm cầu thủ uống rượu trong tuần thi đấu, không được thuê đầu bếp riêng và phải ăn các bữa chính ở căng-tin tại trung tâm huấn luyện Carrington với rau và cá là hai món quan trọng.
Maclaren, cựu cố vấn dinh dưỡng Liverpool, Everton, Man City, Bolton, đã làm việc trong lĩnh vực này từ giữa những năm 1990 đến 2015, thời kỳ mà bóng đá bắt đầu chú ý đến chế độ ăn của các cầu thủ. Theo ông, điều quan trọng nhất là chuyên gia dinh dưỡng nhận được sự ủng hộ từ các HLV. “Sẽ vô nghĩa nếu ban huấn luyện không tin tưởng vào chế độ ăn uống”, Maclaren nói.
Theo Maclaren, HLV Gerard Houllier và Rafa Benitez của Liverpool giúp công việc các chuyên gia dinh dưỡng được coi trọng hơn. Sam Allardyce là HLV Anh đầu tiên tìm hiểu về những lợi ích của chế độ ăn uống khoa học, trong khi David Moyes cũng cởi mở với vấn đề này.
Lần đầu tư vấn cho các CLB, những chuyên gia dinh dưỡng như Maclaren không có đất diễn. Ông giải thích: “Các CLB có căng tin, nhưng thiếu diện tích thích hợp để nấu ăn. Chỉ có một phụ nữ và một người phụ bếp, và cô ấy rất hạn chế về những gì có thể nấu. Thường chỉ là đồ xào”.
Vào giữa những năm 1990, việc các cầu thủ bỏ bữa ăn tại căng tin CLB chủ quản để đến các quán ăn gần đó diễn ra thường xuyên. Nhưng giờ đây, nhiều CLB Anh, nhất ở hai giải đấu hàng đầu – Ngoại hạng Anh và Championship – đều tự hào có cơ sở vật chất ngang ngửa các nhà hàng mà nhiều thế hệ cầu thủ trước đây từng đến. Bên cạnh thực đơn, mức độ chi tiết của những gì các cầu thủ nạp vào người là điều đáng chú ý nhất. Thậm chí, ngay cả trước lúc bước chân vào căng tin để ăn sáng hoặc ăn trưa, các cầu thủ đã biết họ nên nạp bao nhiêu calo.
Điều này được xác định trước theo từng ngày trong tuần và các yếu tố như thời gian so với trận cuối cùng hoặc trận tiếp theo, lượng vận động ở những trận đấu, buổi tập gần nhất. Ngoài ra, nhu cầu nạp calo còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như vị trí trên sân và thể trạng của từng cầu thủ.
Có nhiều cầu thủ có khẩu phần ăn lớn tại Ngoại hạng Anh. Ví dụ, các hậu vệ đến từ London thường ăn hai món chính vào bữa trưa hoặc bữa tối, hoặc sử dụng một đĩa khổng lồ với thành phần chính trong bữa ăn được xếp bên trên một lượng mì ống hoặc cơm lớn.
Dù khẩu phần khác nhau, tất cả thức ăn của cầu thủ đều được lên kế hoạch bởi các chuyên gia dinh dưỡng, nhà khoa học thể thao và đầu bếp của CLB.
Các chuyên gia dinh dưỡng giờ làm việc toàn thời gian và là một phần quan trọng trong ban huấn luyện. Đây là sự thay đổi lớn khi trước đây, các CLB chỉ có một chuyên gia hoặc một sinh viên thực tập – những người thỉnh thoảng đến đại bản doanh CLB để đưa ra lời khuyên về chế độ dinh dưỡng cho HLV, các cầu thủ và đầu bếp.
Kiểm soát khẩu phần ăn cũng là vấn đề quan trọng, khi các CLB muốn đảm bảo lượng thức ăn vừa phải, thay vì cho phép các cầu thủ ăn tự do. Trong đó, Norwich là CLB hiếm hoi chi tiết đến mức quy ra khối lượng calo cho mỗi món ăn trong thực đơn và tổng calo các cầu thủ được phép nạp trong từng bữa ăn.
Tại một số đội, HLV muốn các học trò ăn xong hai tiếng trước khi buổi tập bắt đầu để thức ăn của họ được tiêu hóa hoàn toàn. Vì yếu tố này, một cựu HLV Ngoại hạng Anh từng cấm các học trò ăn thịt đỏ vào đêm trước ngày thi đấu.
Hầu hết mọi thứ đều có sẵn, với các loại ngũ cốc, đồ ăn nhẹ, bánh mì, sữa chua, nước trái cây hay các đồ ăn nóng và lạnh đều được đầu bếp sẵn sàng đáp ứng.
Bữa sáng với đồ ăn nóng cùng cà phê là lựa chọn phổ biến của các cầu thủ, đặc biệt là trước khi tập luyện. Sau đó, họ sẽ sử dụng bữa trưa với chất lượng ở mức cao nhất, được mô tả là “không thể tin được”. Khẩu phần bữa trưa thường là thịt gà, cá, các món ăn thuần chay cùng các món cung cấp carbohydrate như mì ống, gạo, khoai tây và rau.
Để các cầu thủ không cảm thấy nhàm chán, các món đặc biệt như bít tết phi lê, teriyaki cá hồi, cá tuyết đen hoặc mật ong và thịt lợn mù tạt thỉnh thoảng được thêm vào thực đơn. Trái cây, các loại hạt, đồ uống sinh tố, trà thảo mộc cũng được các căng tin đáp ứng theo yêu cầu. “Họ được đáp ứng, dù muốn ăn bất cứ thứ gì”, Sportmail dẫn nguồn tin thân cận. Mùa trước, Ben Chilwell từng tiết lộ bữa trưa khoái khẩu của đồng đội Reece James gồm thịt gà, mì ống, bông cải xanh, dứa, dâu tây và mayonnaise.
Khi không tập trung cùng CLB, điều quan trọng nhất với các cầu thủ là phải giữ kỷ luật. Các chuyên gia dinh dưỡng thường chỉ gửi tin nhắn hoặc gọi điện, đồng thời khuyến khích các cầu thủ đặt câu hỏi và chủ động tìm hiểu. “Tôi nhớ Steven Gerrard thời trẻ và Eric Dier là những cầu thủ chịu khó lắng nghe”, Maclaren tiết lộ. “Họ yêu cầu một số hướng dẫn về những gì cần có cho bữa sáng, bữa tối và muốn in chúng ra để dán lên tủ lạnh”. Phil Neville, thời đến Everton ở đoạn cuối sự nghiệp – cũng là một hình mẫu về việc tuân thủ chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt vốn được điều chỉnh để phù hợp với lứa tuổi của anh.
Theo Maclaren, các cầu thủ trẻ thường lắng nghe và tiếp thu chế độ dinh dưỡng để hòa nhập và tiến bộ. Tương tự, những cầu thủ lớn tuổi cũng tuân thủ vì muốn duy trì thể lực và kéo dài sự nghiệp.
Các CLB cung cấp dịch vụ đồ ăn mang đi cho các cầu thủ và thậm chí cả gia đình của họ. Man Utd được cho cung cấp đồ ăn chuẩn “5 sao” và sẵn sàng nhận giao đồ ăn tới tận nhà cho các cầu thủ, theo yêu cầu thủ Ten Hag.
Một số CLB tổ chức các khóa học nấu ăn cho các cầu thủ và cả những người thân để chia sẻ kiến thức. Công nghệ cũng được sử dụng tại một số CLB, với màn hình kỹ thuật số có chứa các hướng dẫn và thực đơn được dịch cho các ngôi sao nước ngoài, nếu họ chưa nắm được tiếng bản địa.
Norwich thậm chí còn có một ứng dụng cho các cầu thủ và nhân viên với các kế hoạch bữa ăn riêng, hướng dẫn nấu ăn và lời khuyên đến những chi tiết nhỏ nhất như việc sử dụng loại dầu chính xác. Việc thuê các đầu bếp riêng, như Harry Kane, Reece James và Emile Smith Rowe, hiện là một xu hướng ngày càng tăng.
Việc tiêu thụ thực phẩm trong ngày diễn ra trận đấu được đề cao. Chuyên gia dinh dưỡng hướng dẫn cụ thể cho các cầu thủ khi họ cần khẩu phần carb lớn vào đêm trước trận đấu. Khi đến phòng thay đồ, họ thường được cung cấp thêm chuối năng lượng, bánh gạo, thanh ngũ cốc, đồ ngọt, nước ép củ cải đường, uống caffein và đồ uống điện giải.
Sau trận đấu là một thời điểm quan trọng khác. Từ trước đến nay, các cầu thủ được phép ăn những gì họ muốn trong 24 giờ sau một trận đấu. Vì thế, không có gì lạ khi nhiều CLB đặt số lượng lớn pizza sau mỗi trận. Người hâm mộ từng thấy những chiếc hộp được xếp thành chồng cao trong phòng thay đồ của đội tuyển Anh sau chiến thắng 10-0 trên sân San Marino hồi tháng 11/2021.
Nhưng đồng thời, các chuyên gia dinh dưỡng ngày càng chú trọng đến việc hạn chế những chế độ ăn uống làm tổn hại đến cơ thể của các cầu thủ. Thực phẩm giàu carb vẫn được tiêu thụ, nhưng các cầu thủ cũng nhận cảnh báo về quá trình và giai đoạn xử lý calo cao sau mỗi trận. Một đội trưởng tại Ngoại hạng Anh chỉ uống một chai Lucozade đầy đường, màu cam sau tiếng còi mãn cuộc.
Các CLB thi đấu trên sân nhà có thực đơn sau trận phong phú hơn, với những món ăn lành mạnh nhưng vẫn hấp dẫn như thịt gà xiên, bánh mì kẹp thịt, ớt, sushi, trái cây và đồ ăn lắc protein.
Trong khi đó, sau các trận sân khách, các cầu thủ trở về máy bay hoặc xe buýt của đội với thức ăn được chuẩn bị sẵn. Một số CLB cũng tạo ra các túi goodie chứa đồ uống có vitamin, thanh ngũ cốc và khoai tây chiên giòn lành mạnh cùng các vật dụng khác để đáp ứng nhu cầu phù hợp của từng cầu thủ.
Các đầu bếp hoặc chuyên gia dinh dưỡng, hoặc cả hai, thường di chuyển cùng và đôi khi di chuyển trước toàn đội để chuẩn bị khẩu phần ăn. Một số cầu thủ cảm thấy có đủ sự trao đổi chất và đốt cháy đủ lượng calo trong tuần có thể thưởng thức một món đồ mang đi khi di chuyển đến sân thi đấu.
Đa số CLB giờ giám sát chế độ dinh dưỡng của từng cầu thủ vào mỗi buổi sáng, thay vì hàng tuần như trước đây. Không chỉ kiểm tra cân nặng, các chuyên gia dinh dưỡng còn đo nhiều chỉ số khác, gồm % mỡ và cơ. Như tại Man Utd, Ten Hag yêu cầu các cầu thủ phải đo chỉ số cơ thể (BMI) hàng tuần để tránh nguy cơ tăng cân mất kiểm soát.
Các chỉ số không biết nói dối – đi kèm với hậu quả và các hình phạt – khiến các cầu thủ phải tuân thủ chặt chẽ chế độ dinh dưỡng do chuyên gia và ban huấn luyện đặt ra.
Hồng Duy (theo Sports Mail)