Jose Gaya đã nói vậy trong bài trả lời phỏng vấn tờ Marca trước thềm trận tiếp Thụy Sỹ ở UEFA Nations League. Cơ sở mà hậu vệ trái đang khoác áo Valencia đưa ra là dù dừng chân ở bán kết EURO 2020, La Roja thực ra mới là cái tên nổi bật nhất tại giải đấu đó.
Gaya thực ra cũng không sai. Trong trận bán kết EURO 2020 tại Wembley, Tây Ban Nha đã áp đảo đội bóng sau đó lên ngôi vô địch Italia gần như ở mọi chỉ số, từ thời lượng kiểm soát bóng (65%-35%), tổng số đường chuyền (932-418), tổng số lần dứt điểm (16-7) cho đến số lần hưởng phạt góc (6-1). Azzurri chỉ hơn đối thủ ở tổng quãng đường di chuyển và… số lần việt vị, những chi tiết cho thấy họ đã xác định từ đầu về chiến thuật phòng ngự phản công.
Tại EURO 2012, Italia cũng từng chơi như vậy trong cuộc chạm trán với chính Tây Ban Nha ở vòng bảng và cầm hòa đối thủ 1-1. Nhưng rồi họ lại “nóng đầu” chơi tấn công khi tái ngộ La Roja ở trận chung kết, để rồi thua tan nát với tỷ số 0-4. Đó là sai lầm mà người Ý đã không lặp lại khi gặp đội bóng của HLV Luis Enrique tại bán kết EURO 2020, dù trước đó họ từng thể hiện lối chơi tấn công đầy cuốn hút ở vòng bảng.
Vì ai cũng biết, điểm mạnh của Tây Ban Nha chính là lối chơi kiểm soát dựa trên khả năng cầm bóng siêu hạng của từng cầu thủ. Vì không có bóng để chơi, đối thủ sẽ buộc phải phòng ngự và sớm muộn gì cũng mắc sai lầm. Nhưng tất nhiên, chiến thuật nào cũng có cách khắc chế.
La Roja sẽ rất ngại những đội bóng giàu thể lực, chủ động pressing và sắc bén trong phản công. Italia đã chơi như vậy trong trận bán kết EURO 2020 và thành công, khi “gác” đối thủ 1 bàn trước khi giành chiến thắng trên chấm luân lưu. Tuy nhiên, trận đấu ở Wembley có thể đã có một kết cục khác, nếu Dani Olmo, Mikel Oyarzabal hay Alvaro Morata tận dụng được các cơ hội tạo ra.
Đó chính là một nỗi sợ khác của người Tây Ban Nha: cầm bóng nhiều nhưng không thể ghi bàn. Vì ở hầu hết những trận đấu diễn ra theo kịch bản này, họ đều phải trả giá. Và khác với giai đoạn thống trị khi vô địch ba giải lớn liên tiếp gồm EURO 2008, World Cup 2010 và EURO 2012, La Roja không còn những chân sút đẳng cấp thế giới nữa.
Nói tới thế hệ vàng của bóng đá xứ sở bò tót khi ấy, người ta sẽ chỉ nhắc đến “những chàng lùn” ở hàng tiền vệ như Xavi, Andres Iniesta, David Silva, Santi Cazorla hay Cesc Fabregas. Nhưng các tiền đạo David Villa và Fernando Torres mới thực sự là những người biến sự áp đảo về thế trận của Tây Ban Nha thành những bàn thắng. Trong khi Villa là chân sút số 1 tại EURO 2008 và World Cup 2010 với lần lượt 4 và 5 bàn thắng, thì Torres ghi bàn quyết định trong trận chung kết EURO 2008 và là vua phá lưới của EURO 2012.
Trong khi vẫn liên tục giới thiệu những tiền vệ xuất sắc như Rodri, Pedri hay Gavi, La Roja giờ không còn một chân sút đẳng cấp nào như thế nữa. Mà muốn vô địch, người ta phải chiến thắng. Còn muốn chiến thắng, họ phải ghi bàn. Nếu không, mọi kỷ lục về kiểm soát bóng và số đường chuyền sẽ trở thành vô nghĩa.