Tổng thư ký PSSI Yunus Nusi xác nhận thông tin trên hôm qua 9/8, và cho rằng các thành viên trong ASEAN cần đoàn kết trên mọi lĩnh vực, trong đó có thể thao. Ông cũng kêu gọi các bên ngừng tranh luận về việc Indonesia có nên rời AFF hay không.
“Nếu Indonesia rời AFF, công chúng sẽ có gì để xem?”, ông nói. “Các giải đấu của Liên đoàn Bóng đá châu Á AFC không thể dày đặc như Đông Nam Á. Dù sao AFF cũng là cấp độ đánh giá thực lực của chúng ta trước khi chơi ở AFC”.
Lùm xùm bắt đầu từ hôm 10/7, khi Việt Nam hoà Thái Lan 1-1 ở lượt cuối vòng bảng U19 Đông Nam Á, khiến chủ nhà Indonesia bị loại. Dư luận Indonesia nổi giận với cách hai đối thủ này chơi cầm chừng ở 15 phút cuối để giữ tỷ số hoà. Nhiều người cho rằng Indonesia nên rời AFF, để sang một liên đoàn khác như EAFF (Đông Á) với sự cạnh tranh cao hơn. Chủ tịch PSSI Mochammad Iriawan cũng nói khi đó rằng ông sẽ xem xét nghiêm túc vấn đề này, nhưng phải nghiên cứu kỹ trước khi quyết định.
Mặt khác, PSSI cũng gửi đơn khiếu nại lên AFF để điều tra liệu có hành vi phi thể thao giữa Việt Nam và Thái Lan không. “Chúng tôi đã nhận phản hồi từ AFF và họ cho rằng không có gì gian lận trong trận đấu giữa hai đội này”, ông Nusi nói. “Chúng tôi tôn trọng quyết định của AFF, còn bây giờ PSSI sẽ tập trung vào bóng đá để đội tuyển quốc gia tiến bộ hơn”.
Iriawan từng nói EAFF sẽ rất mừng nếu Indonesia xin gia nhập bóng đá Đông Á. Nhưng liên đoàn này không có những giải cấp độ trẻ U16, U19 hay U23 như AFF.
Một quốc gia khác đang muốn chuyển liên đoàn bóng đá là Ấn Độ, khi họ quá mạnh so với các đội Nam Á tại SAFF. Ấn Độ đang xin dự các giải trẻ ở Trung Á hoặc Đông Nam Á, và đang chờ được chấp thuận.
Indonesia là một trong sáu quốc gia sáng lập AFF năm 1984, cùng Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines và Brunei. Việt Nam, Myanmar, Lào và Campuchia gia nhập tổ chức này năm 1996, sau đó đến Timor Leste (2004) và Australia (2013). Indonesia đã sáu lần vào chung kết AFF Cup, nhưng chưa từng vô địch.
Hoàng An