Quả thật, người Anh với lợi thế lớn về truyền thông và độ phủ sóng Premier League đã luôn biết cách “nâng tầm” mình ở phương diện báo chí. Còn người Ý, vì lối chơi khá nhàm chán qua việc ưu tiên phòng ngự làm lẽ sống, lại luôn biết cách hạ mình trước các cuộc chơi lớn. Tuy nhiên kết quả lại rất thành công cho người Ý với việc sở hữu 4 chức vô địch World Cup, 2 chức vô địch EURO. Còn người Anh thì chỉ có được nhõn một cái World Cup năm 1966 (mà cũng gây đầy tranh cãi).
Còn một thống kê nữa, 56 năm, tức hơn nửa thế kỷ, người Anh mới lọt được vào một trận chung kết EURO/World Cup. Cũng khoảng thời gian đó, người Ý 8 lần vào chung kết và 4 lần đoạt cúp.
Bạn có thể nói rằng giờ người Ý đã hết thời, Premier League là giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh, trong khi Serie A giờ chỉ còn là quá khứ. Harry Kane cùng đồng đội đang săn tìm chức vô địch World Cup trên đất Qatar, còn Italia bây giờ thậm chí còn không có nổi tấm vé vào World Cup. Đúng, bạn không sai. Có điều lịch sử lại nói rằng kể cả khi người Anh hoành tráng nhất và người Ý điêu tàn nhất, thì người Ý vẫn thắng người Anh.
Ví dụ năm 2006 nhé, Anh sở hữu đội hình được mệnh danh là thế hệ vàng mà từ hậu vệ lên tiền đạo đều là các siêu sao. Về phía bên kia, cả đất nước Italia rúng động bởi scandal giàn xếp tỷ số, họ hành quân sang Đức với án treo lơ lửng trên đấu. Kết quả, Italia vô địch, Anh bay màu từ tứ kết.
Năm 2012, người Anh vẫn mạnh, người Ý vẫn lẹt đẹt, nhưng chỉ cần một thiên tài Pirlo là đủ để đá bay người Anh. Đến EURO 2020, khi người Anh đang hát hò điệp khúc “It’s coming home” thì Bonucci với Chiellini khẽ khàng đổi thành “It’s coming Rome”. Người viết đồ rằng tổng giá trị chuyển nhượng của hai đội hình của Anh và Ý chơi trận chung kết năm ngoái phải chênh nhau tới 500 triệu euro là ít. Vậy mà tóm lại, Anh vẫn cứ thua và Ý vẫn cứ thắng.
Tuy nhiên, người Ý thắng nhiều nhưng tiền bạc thì lại đâu bằng người Anh, độ phủ sóng đâu được hâm mộ bằng người Anh. Vật chất quyết định ý thức, cuối cùng từ một chữ Tiền mà bóng đá Ý càng ngày càng đi xuống, còn bóng đá Anh dù hào nhoáng cũng không thể phủ nhận sự đi lên của họ.
Bây giờ, người Anh gặp người Ý ở UEFA Nations League trong cảnh dở khóc dở cười. Kẻ thua không dám cười nhạo kẻ không có vé World Cup (vì dù sao hắn cũng là đương kim vô địch EURO), kẻ vô địch lại không dám cười nhạo kẻ kia (vì hắn có vé đi Qatar còn mình thì không). Tóm lại, cả người Anh và người Ý đều là hai hình nhân xiêu vẹo trong giai đoạn này, mà sự vượt trội của bên kia là niềm mơ ước của bên còn lại.
Còn bạn, bạn chọn Anh hay chọn Ý?