CĐV Arsenal hẳn rất vui mừng khi chứng kiến Man Utd thua Brentford 0-4 ở vòng 2 cuối tuần trước. Hai đội từng là kình địch suốt cuối những năm 90 và đầu 2000.
Nhưng còn có một cảm giác khác với Arsenal đi kèm với niềm vui, đó là sự nhẹ nhõm. Nhẹ nhõm là bởi “trò hề” ở Ngoại hạng Anh hiện tại là Man Utd chứ không phải đội bóng của họ.
Tình cảnh của Man Utd trên sân Gtech Community hôm 13/8 khá giống Arsenal những năm trước. Họ có những cầu thủ được trả lương cao nhưng chơi thiếu hiệu quả, chiến lược xây dựng đội hình không rõ ràng, người hâm mộ phản đối ông chủ đội bóng, còn thủ môn không có khả năng chơi chân đạt yêu cầu của HLV.
Hiện tại, Arsenal vẫn chưa trở thành phiên bản hoàn thiện của Mikel Arteta. Ông vẫn thường nói đội bóng chưa đạt được gì cả, dù thắng cả hai trận đầu mùa. Nhưng nhờ chiến lược rõ ràng và quyết tâm tuân theo quá trình, Arsenal đang bước lên một nấc thang mới trong nỗ lực hồi phục. Niềm tin ban lãnh đạo dành cho Arteta dần được đền đáp.
Vậy Man Utd có thể học được gì từ quá trình cải tổ Arsenal? Điều rõ ràng nhất Arteta đã thực thi ở Emirates là thay đổi văn hoá đội bóng. Ban đầu, ông và trợ lý Steve Round đặt nhiệm vụ này lên hàng đầu vì Arsenal khi đó đang thiếu tính gắn kết.
Arteta đã tập hợp mọi nhân viên và cầu thủ lại với nhau, rồi hỏi mọi người vì sao đội chơi không hiệu quả. “Nếu cứ tiếp tục như vậy, Arsenal sẽ không bao giờ có hiệu quả”, ông nói.
Arteta tạo ra nét văn hoá phù hợp với đội bóng, gây dựng môi trường mà trước hết mọi người phải tôn trọng nhau, làm việc cùng nhau, thể hiện đam mê và niềm tự hào vì được ở Arsenal. “Nếu không có tính nhất quán, chúng tôi không thể chèo lái được con tàu khổng lồ như Arsenal, hay đáp ứng những kỳ vọng dành cho đội bóng”, Arteta nhấn mạnh.
Những thay đổi của Arteta không dễ dàng. Ông đã chấp nhận gạt bỏ những cầu thủ “không thể thương lượng” như Mesut Ozil hay Pierre-Emerick Aubameyang. Ông đề nghị Giám đốc Kỹ thuật Edu Gaspar, ban lãnh đạo đội bóng và các ông chủ phải ủng hộ những quyết định như thế. Arsenal phải chấp nhận đôi khi đội bóng sẽ thiệt hại tài chính, hoặc chịu lùm xùm từ dư luận, nhưng đó là cách duy nhất để đảm bảo phòng thay đồ do HLV điều hành, chứ không phải cầu thủ.
Nếu Man Utd muốn Erik ten Hag có quyền lực như thế, các lãnh đạo không thể dao động với tương lai của HLV Hà Lan. Nếu sự hiện diện của một cầu thủ nào đó đe doạ quyền hạn của Ten Hag, anh ta có thể phải ra đi. Nếu Man Utd thanh lý hợp đồng với Cristiano Ronaldo hiện tại, họ sẽ chịu tổn thất tài chính. Đổi lại, đó là cách duy nhất để thoát khỏi tình trạng ngày càng xấu đi trong nội bộ đội bóng.
Một thay đổi lớn với Arsenal là chính sách xây dựng đội hình rõ ràng. Hè 2021, họ chiêu mộ sáu cầu thủ, đều từ 23 tuổi trở xuống gồm Aaron Ramsdale, Martin Odegaard, Takehiro Tomiyasu, Ben White, Nuno Tavares và Albert Sambi Lokonga. Mục đích của họ là trẻ hoá đội hình, hướng tới tương lai và tạo dựng giá trị nội bộ. Không có đội nào ở Ngoại hạng Anh tiêu nhiều hơn Arsenal ở kỳ chuyển nhượng này, nhưng họ coi đó là khoản đầu tư.
Arsenal cũng xây dựng một quỹ lương cân bằng hơn. Họ bị chế giễu khi tốn 60 triệu USD cho White, còn khi Man Utd ký hợp đồng với Raphael Varane với giá chỉ 41 triệu USD. Nhưng nếu tính cả tiền lương vào thương vụ này, White rẻ hơn đáng kể và có thêm giá trị dài hạn.
Hè 2022, Man Utd đã bổ sung Tyrell Malacia, Lisandro Martinez và Christian Eriksen. Ten Hag chọn kết hợp cầu thủ trẻ triển vọng với một cựu binh giàu kinh nghiệm. Cách mua bán cầu thủ như vậy giống những gì Arsenal đã làm năm 2018 với các cầu thủ trẻ như Lucas Torreira, Matteo Guendouzi, hay lão tướng như Sokratis Papastathopoulos và Stephan Lichtsteiner. Kế hoạch chuyển nhượng như thế trông có vẻ ngắn hạn, chứ không phải chiến lược dài hạn.
Trường hợp của Martinez thú vị, khi Arsenal đã săn đón và sẵn sàng ký hợp đồng để cho cầu thủ này đá hậu vệ trái. Họ lo ngại chiều cao 1m75 của Martinez không hợp để đá trung tâm hàng thủ ở Ngoại hạng Anh. Nhưng Ten Hag đã lôi kéo hậu vệ Argentina và cho anh đá trung vệ từ những trận đầu.
Trong trận gặp Brentford, Eriksen đã chơi thấp nhất ở hàng tiền vệ, thường nhận bóng đầu tiên từ các trung vệ. Nhưng cách chơi gây áp lực của chủ nhà khiến anh gặp vấn đề, giống như Arsenal khi dùng Granit Xhaka. Arteta đã để Xhaka chơi ở vị trí cao hơn thời gian qua. Và Ten Hag cần phản ứng nhanh với những chi tiết chiến thuật như thế.
Khi Ten Hag quen dần công việc, người hâm mộ đang chờ đợi liệu thủ môn Man Utd sẽ thay đổi thế nào. David de Gea được yêu cầu triển khai bóng ngắn từ dưới lên trước Brentford nhưng anh đã gặp nhiều khó khăn trong vai trò không phải sở trường.
Arsenal đã trải qua bài học tương tự với Petr Cech và sau đó là Leno. Đó là lý do vì sao họ ủng hộ Arteta chiêu mộ Ramsdale, dù Leno bắt bóng không tồi. Ramsdale còn trẻ, ham học hỏi để tiến bộ, và cũng phù hợp với cách chơi bóng ngắn của Arteta.
HLV Tây Ban Nha có tầm nhìn nhất định về lối chơi của đội bóng. Từ đó, Giám đốc Kỹ thuật Edu và bộ phận tuyển dụng cầu thủ sẽ lọc ra những bản hợp đồng phù hợp với triết lý HLV.
Một từ Arteta dùng nhiều là “thống nhất”. Còn Man Utd hiện tại có dấu hiện rạn nứt. Các CĐV “Quỷ Đỏ” công khai phản đối những ông chủ, mối quan hệ giữa cầu thủ ngôi sao và HLV cũng không ổn. Người hâm mộ Arsenal không còn lạ gì khi cảnh tượng đó từng xảy ra với họ vài năm trước.
Mọi chuyện có thể thay đổi nhanh chóng với Man Utd. Chỉ một năm trước, Arsenal cũng thua Brentford 0-2 ở trận ra quân. Sau ba vòng đầu toàn thua, thầy trò Arteta rơi xuống cuối bảng. Nhưng họ khép lại kỳ chuyển nhượng thành công với Odegaard, Ramsdale hay Tomiyasu trong những ngày cuối. Những tân binh này đã cải thiện đáng kể vận mệnh của Arsenal mùa trước, khi đội chỉ kém Top 4 hai điểm vào cuối mùa
Còn quá sớm để nhận định về kết quả của Man Utd mùa này, khi Ten Hag còn nhiều thời gian để bổ sung lực lượng hay cải thiện lối chơi. Vấn đề là liệu ông có lật ngược tình thế với đội bóng bằng tốc độ nhanh chóng như Arteta đã làm ở Arsenal hay không.
Hoàng An (theo Athletic)