Tròn một tháng từ chung kết Champions League ngày 28/5 tại Paris – trận đấu khép lại mùa 2021-2022, các CLB của năm giải hàng đầu châu Âu đã lao vào thị trường chuyển nhượng để chuẩn bị cho mùa giải mới.
Thị trường chuyển nhượng tại Ngoại hạng Anh mở cửa từ 10/6, trong khi Ligue 1, La Liga, Bundesliga và Serie A đến ngày 1/7 mới chính thức “khai hội”. Dù vậy, năm giải đấu này đã chi tổng cộng 1,27 tỷ USD cho 122 thương vụ, tính đến hết ngày 25/6.
Trong đó, Ngoại hạng Anh tiếp tục chứng tỏ sức mạnh tài chính khi đổ vào sàn chuyển nhượng 475 triệu USD, chiếm 37,11%. Xếp sau lần lượt là Serie A với 300 triệu USD (23,53%), Bundesliga với 230 triệu USD (18,09%), La Liga với 150 triệu USD (11,73%) và Ligue 1 với 121 triệu USD (9,52%).
Báo Tây Ban Nha Marca nhận định, với tốc độ chi tiêu hiện tại, Ngoại hạng Anh có thể cán hoặc thậm chí vượt mốc 1,37 tỷ USD mà họ đã chi cho các vụ chuyển nhượng mùa trước. Ngân sách của các CLB Ngoại hạng Anh vượt trội các giải đấu khác, và là kết quả của thu nhập từ bản quyền truyền hình đồng đều cùng việc sở hữu những ông chủ giàu có.
Các chủ sở hữu hoặc cổ đông lớn như Ayawatt Srivaddahanaprabba (Leicester City), Joe Lewis và Daniel Levy (Tottenham), Nassef Sawiris (Aston Villa), Stan Kroenke (Arsenal), Mansour bin Zayed Al Nahyan (Man City) hay Quỹ Đầu tư Công Saudi Arabia (Newcastle) luôn đảm bảo có số vốn nhất định để đầu tư xây dựng đội hình mỗi khi kỳ chuyển nhượng mở cửa.
Sáu trong 10 hợp đồng đắt giá nhất từ đầu hè thuộc về Ngoại hạng Anh, gồm Darwin Nunez từ Benfica đến Liverpool với phí trả trước 80 triệu USD, Erling Haaland (Dortmund – Man City, 63 triệu USD), Fabio Vieira (Porto – Arsenal, 41 triệu USD), Nayef Aguerd (Rennes – West Ham, 41 triệu USD), Brenden Aaronson (Salzburg – Leeds, 35 triệu USD), và Diego Carlos (Sevilla – Aston Villa, 32 triệu USD).
Tuy nhiên, bản hợp đồng đắt giá nhất lại thuộc về Real, đội trả trước 85 triệu USD để tậu tiền vệ trung tâm Aurelien Tchouameni từ Monaco. Nếu không có thương vụ này, La Liga sẽ là giải đấu chi ít tiền nhất với 65 triệu USD. Trong khi đó, Barca chưa tuyển mộ tân binh nào.
Đây là hệ quả từ việc La Liga áp đặt luật công bằng tài chính FFP theo cách nghiêm khắc hơn nhiều so với các giải khác. Tại Tây Ban Nha, mỗi đội bóng đều được các chuyên gia đánh giá sức khoẻ tài chính, rồi đặt ra mức chi tiêu trần cùng giới hạn lương.
Ba bản hợp đồng đắt giá nhất còn lại là Federico Chiesa được Juventus mua đứt với giá 42 triệu USD, Nuno Mendes được PSG mua với giá 40 triệu USD, và Sadio Mane cập bến Bayern theo thương vụ trị giá ban đầu 34 triệu USD.
Liverpool là CLB chi nhiều tiền nhất, khi đầu tư 90 triệu USD để ký hợp đồng với Nunez, Fabio Carvalho và Calvin Ramsay. Real đứng thứ hai dù chỉ tuyển mộ Tchouameni và tậu trung vệ Antonio Rudiger theo dạng tự do. Có bốn CLB Ngoại hạng Anh nằm trong danh sách 10 đội chi tiêu nhiều nhất, là Man City (63 triệu USD), Leeds United (61 triệu USD), Aston Villa (57 triệu USD) và Arsenal (47 triệu USD).
Atalanta là đại diện Serie A duy nhất chen chân vào top 10 với 44 triệu USD. Trong khi đó, Juventus đứng thứ 11 (42 triệu USD), Napoli đứng thứ 13 (38 triệu USD), Sassuolo thứ 16 (30 triệu USD) và Hellas Verona thứ 20 (20 triệu USD).
Tuy nhiên, những khoản chi tiêu khổng lồ không đảm bảo thành công ở đấu trường châu Âu cho các CLB Ngoại hạng Anh. Mùa trước, Real Madrid vô địch Champions League, Eintracht Frankfurt đăng quang Europa League còn Roma của Jose Mourinho là nhà vô địch đầu tiên của Europa Conference League.
15 CLB tiêu nhiều nhất tính đến ngày 25/6: Liverpool (90 triệu USD), Real (85 triệu USD), Man City (63 triệu USD), Leeds (61 triệu USD), Dortmund (58 triệu USD), Aston Villa (57 triệu USD), Bayern (53 triệu USD), Arsenal (47 triệu USD), Marseille (46 triệu USD), Atalanta (44 triệu USD), Juventus (42 triệu USD), PSG (40 triệu USD), Napoli (38 triệu USD), West Ham (37 triệu USD), Eintracht Frankfurt (36 triệu USD).
Hồng Duy