“Năm 2018, một CĐV đã bị sát hại sau một trận đấu tại Jakarta. Cách đây vài tháng, một trường hợp tương tự cũng xảy ra ở Yogyakarta”, nhà báo Alvino Hanafi của Goal Indonesia trao đổi với Bongdaplus. “Nhưng đó không phải là những vụ việc thương tâm nổi cộm nhất liên quan đến xô xát giữa các nhóm cổ động viên tại Indonesia. Nhiều trường hợp khác cũng đã xảy ra tương tự. Nhưng quả thực, bạo loạn ở Malang dẫn đến 129 người hâm mộ thiệt mạng là thương tâm nhất và đau lòng nhất trong lịch sử bóng đá Indonesia”.
Nhà báo Alvino nói tiếp: “Không quốc gia nào tại Đông Nam Á lại có nhiều tỉnh, thành phố, địa phương có sự đối địch về CLB lớn như Indonesia. Malang là một thành phố lớn tại Đông Java. Thành phố này có CLB Arema FC, một trong những đội bóng giàu truyền thống nhất trong lịch sử bóng đá Indonesia. Các CĐV ở đây có một sự tự tôn rất lớn. Họ không chịu được cảm giác thất bại. Hay chính xác hơn, họ suy nghĩ rằng Arema không thể thua.
Tương tự là Persebaya Surabaya. Đây cũng là một CLB thuộc phía Đông Java như Arema. Và đáng nói hơn, kình địch của đội bóng này lại chính là Arema! Những trận đấu giữa hai đội được xem như Siêu kinh điển của Đông Java. Lực lượng cảnh sát thường xuyên phải trấn áp cổ động viên của 2 đội bóng này. Và thật thương tâm, trong trận đấu giữa 2 đội vào tối qua, mọi chuyện đã không thể kiểm soát. Các CĐV của 2 đội này có câu cửa miệng rằng, thà thua bất cứ đội nào chứ đừng thua kình địch cùng Đông Java”.
Nhà báo Alvino nói tiếp với Bongdaplus: “Tôi biết anh từng đến Yogyakarata vào thời điểm tháng 8 vừa rồi. Anh có nhớ tôi từng nói với anh rằng không nên mặc áo xanh lá cây và xanh da trời chứ. Bởi ở Yogyakarata có 2 đội bóng với lượng cổ động viên nổi tiếng là PSS Sleman và PSIM Yogyakarta. Các nhóm cổ động viên thường hay va chạm và có thể xảy ra ẩu đả bất cứ lúc nào. Vậy nên, việc mặc một trong hai màu áo này có thể khiến nhóm cổ động viên hiểu nhầm và dẫn đến va chạm”.
Nhà báo Alvino khép lại: “Người Indonesia chúng tôi không muốn ai phải thiệt mạng. Chúng tôi cũng muốn đưa người thân, gia đình đến xem bóng đá, tận hưởng cảm xúc trận đấu. Nhưng có những trận đấu có tính chất căng thẳng mà chúng tôi không thể đưa gia đình, người thân đi cùng.
Tôi rất muốn tình trạng này phải được chấm dứt ở Indonesia. Một thảm họa chẳng khác nào vụ Hillsborough tại Anh cách đây 30 năm đã xảy ra ở Malang mất rồi. Lúc này, tôi chỉ mong điều đó không ảnh hưởng đến việc tổ chức các giải lớn của Indonesia. Năm sau, người Indonesia rất mong có thể tổ chức U20 World Cup. Tôi mong các CĐV Indonesia đủ thông minh, tỉnh táo và kiềm chế cảm xúc của mình”.