Mức độ tương tác trên mạng xã hội của Man Utd, như lượt chia sẻ, lượt thích và bình luận, tăng gần gấp đôi, lên hơn hai tỷ lượt chỉ trong 12 tháng, bất chấp phong độ thiếu thuyết phục trên sân. Sự xuất hiện từ hè 2021 của Ronaldo, người có 465 triệu người theo dõi trên Instagram, giúp Man Utd thăng tiến mạnh mẽ trong hoạt động truyền thông xã hội lẫn doanh thu từ bán hàng trực tuyến.
Trong 25 bài đăng có lượng tương tác lớn nhất của các CLB Ngoại hạng Anh mùa trước, có tới 10 bài liên quan đến Ronaldo và ba bài đứng đầu đều liên quan tới siêu sao Bồ Đào Nha. Nhờ đó, Man Utd lần đầu vượt mặt Barca và Real để trở thành CLB có lượt tương tác lớn nhất trên mạng xã hội toàn thế giới.
Các con số này rất quan trọng trong bóng đá hiện đại bởi các nhà tài trợ thương mại xem xét lượt tương tác trên mạng xã hội khi cân nhắc đầu tư vào một CLB, và với số tiền bao nhiêu. Trong đó, mức độ tương tác tích cực được coi là có giá trị hơn tổng số người theo dõi.
Các nhà phân tích tài chính gọi đây là “hiệu ứng Ronaldo”, và là một lý do quan trọng đằng sau việc Man Utd muốn giữ chân tiền đạo 37 tuổi hè này. Trong khi đó, Ronaldo đã đề bạt nguyện vọng rời CLB và vắng mặt trong chuyến du đấu tiền mùa giải ở Thái Lan và Australia vì “vẫn đang giải quyết các vấn đề gia đình”.
“Giá trị thương mại của Ronaldo sẽ ảnh hưởng đến quyết định của Man Utd”, tiến sĩ Rob Wilson, một chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh thể thao tại Đại học Sheffield Hallam nói với báo Anh Sportmail. “Man Utd không bận tâm tới việc Paul Pogba rời đi và trở lại Juventus, nhưng họ hẳn phải suy tính kỹ lưỡng hơn ở hậu trường về Ronaldo. Đây không đơn thuần là vấn đề chuyên môn”.
Theo Wilson, sự góp mặt của Ronaldo giúp Man Utd đứng đầu những vấn đề liên quan đến phát triển thương mại, và đây là điều chủ sân Old Trafford muốn duy trì. Ông phân tích thêm: “Giá trị chuyển nhượng của Ronaldo với tư cách một cầu thủ thấp hơn giá trị với tư cách một thực thể thương mại”.
Tiến sĩ Wilson cho biết thỏa thuận thương mại mới nhất của Man Utd – với công ty công nghệ toàn cầu DXC trên tư cách là nhà tài trợ tay áo đấu trị giá 24 triệu USD – là một ví dụ về “hiệu ứng Ronaldo”. Ông nói thêm: “Đây là khoản tài trợ tay áo lớn nhất trong lịch Ngoại hạng Anh, và nó đến từ CLB đứng thứ sáu mùa trước. Những gì các nhà tài trợ muốn là lượt tương tác, chứ không bận tâm tới những người theo dõi. Lượt tương tác đã bùng nổ với Ronaldo”.
Man Utd vẫn đang tìm kiếm các thỏa thuận mới với một đối tác hàng không, sau khi thôi hợp đồng với hãng hàng không Nga Aeroflot vì căng thẳng ở Ukraine, cũng như các hợp đồng tài trợ cho sân tập. Theo tiến sĩ Wilson, đây là động lực lớn để Man Utd giữ chân chủ nhân năm Quả Bóng Vàng.
Ngoài ra, các nhà tài trợ hiện tại được cho gây sức ép lên giới chủ sân Old Trafford để đảm bảo Ronaldo sẽ tiếp tục thi đấu cho CLB mùa tới. Họ đã đầu tư rất nhiều tiền và kỳ vọng mức độ tương tác nhờ Ronaldo sẽ duy trì trong vài năm tới. Phía Man Utd cũng như các đối tác thương mại đều nhận thức rõ rằng những gì Ronaldo mang lại đều có thể bị chính anh tước đi, nếu tiền đạo này sang một CLB khác.
Tương tự Man Utd, Juventus từng ghi nhận tăng trưởng phi thường về doanh thu và lượt tương tác trên mạng xã hội trong ba năm sở hữu Ronaldo. Theo một phân tích mới của công ty phát trực tuyến và xã hội Conviva, “Lão Bà” cũng đã phải chịu một tác động ngược đáng kể khi ngôi sao Bồ Đào Nha rời CLB để trở lại Manchester năm ngoái.
“Lợi ích của việc có cầu thủ tầm cỡ như Ronaldo trong đội hình vượt ngoài khả năng chuyên môn”, Nick Cicero, Phó chủ tịch phụ trách chiến lược tại Conviva nói với Sportmail. “Ronaldo được theo dõi nhiều nhất thế giới vì một số lý do, nhưng trước hết đó là sự phổ biến của bóng đá châu Âu. Không môn thể thao nào khác trên thế giới mang lại lượt tương tác và theo dõi nhiều như các giải bóng đá châu Âu. Kết hợp điều đó với một cá nhân lôi cuốn, thẳng thắn và cực kỳ tài năng như Ronaldo, bạn sẽ có một công thức để thành công”.
Man Utd thể hiện thái độ cứng rắn, thể hiện qua việc tân HLV Erik ten Hag xác nhận Ronaldo vẫn trong kế hoạch của Man Utd, trong cuộc họp báo trước trận thắng Liverpool 4-0 trên sân Rajamangala. “Ronaldo không phải để bán. Chúng tôi muốn cùng nhau giành vinh quang”, HLV Hà Lan nhấn mạnh.
Ronaldo luôn xuất hiện trong các xu hướng mới ở các cộng đồng người hâm mộ, vốn thu hút được sự chú ý của các CLB lớn. Hai năm trước, các CLB lớn đã bị rung chuyển bởi một nghiên cứu về người hâm mộ, do Hiệp hội các CLB châu Âu (ECA), khi đó dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Juventus Andrea Agnelli, uỷ quyền. Nghiên cứu này tiết lộ mức độ mà người hâm mộ toàn cầu gắn bó với thành công, đồng thời cho thấy việc trong nhóm CĐV trẻ tuổi, việc ủng hộ đội bóng nào được xác định bởi sự quan tâm của họ đối với từng cầu thủ.
Xu hướng này ít xảy ra ở các quốc gia như Anh. Nhưng ở một số thị trường bóng đá mới nổi như Ấn Độ, nơi có dân số 1,4 tỷ người, việc lựa chọn CLB có thể bị ảnh hưởng bởi một cầu thủ yêu thích trong số gần một phần ba số người ủng hộ.
Ronaldo hiện là bằng chứng sống cho việc CLB có thể mở rộng đáng kể phạm vi tiếp cận và doanh thu thông qua chính sách chuyển nhượng, ngay cả khi sa sút về mặt chuyên môn. Doanh thu tăng không phải là tất cả về doanh số bán áo đấu, mà Man Utd có thể kiếm tiền từ những người theo dõi toàn cầu thông qua các đối tác thương mại.
Do đó, trong tương lai, những cầu thủ siêu nổi tiếng có thể giúp các CLB tránh khỏi những thăng trầm cạnh tranh thị trường, tạo nền tảng chắc chắn về mặt tài chính như mong muốn. Những gì Ronaldo đã làm cho Man Utd một năm qua chính là hình mẫu.
“Lợi ích của sức hút trong xã hội ngày càng cao, dẫn đến việc đưa một cầu thủ như Ronaldo về với đội là thương vụ không thể bị đánh giá thấp”, Cicero nhấn mạnh. “Chúng tôi mong đợi các CLB và đội thể thao trên khắp thế giới đầu tư vào việc xây dựng thương hiệu cá nhân của các cầu thủ, như một phương tiện để phát triển thương hiệu chung của toàn đội trong những năm tới”.
Tất cả điều này tạo ra một xu hướng mới trên thị trường chuyển nhượng. Tại Man Utd, tổng số lượt tương tác với các bài đăng trên mạng xã hội đã tăng từ 1,1 tỷ ở mùa 2020-2021, lên hơn 2 tỷ ở mùa kế tiếp, nhờ sự có mặt của Ronaldo. Trong đó, mỗi bài đăng trung bình tạo ra 75.000 lượt tương tác.
Nhà vô địch Euro 2016 có tác động đặc biệt đáng kể đến video, với số lượt xem mỗi video tăng gần gấp ba lần, lên tới 193.000 lượt. Tổng lượng người theo dõi cũng tăng từ 144 lên 170 triệu. Tất cả sự thay đổi chóng mặt này đến trong mùa giải Man Utd chỉ đứng thứ sáu với điểm số thấp nhất trong kỷ nguyên Ngoại hạng Anh (58), phá sâu kỷ lục cũ lf 64 điểm ở mùa 2013-2014.
Xét về tổng lượng người theo dõi, Man Utd vẫn kém hai ông lớn Tây Ban Nha – Real Madrid có 281 triệu và Barca có 267 triệu người. Tuy nhiên, họ không thể so sánh với Man Utd về mức độ tương tác. Con số này của Barca và Real lần lượt là 1,6 và 1,4 tỷ. Trong khi đó, việc bán Ronaldo ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu ứng trên mạng xã hội của Juventus, điều có thể khiến CLB bị tổn hại về mặt tài chính, khi tiến hành đàm phán các hợp đồng thương mại lớn.
Theo Forbes, khi ngôi sao người Bồ Đào Nha ký hợp đồng năm 2018, doanh thu của Juventus tăng 60 triệu USD nhờ mua bán, họp báo và ký kết hợp đồng. Trong mùa thứ hai sở hữu Ronaldo, việc tài trợ với Jeep và Adidas đã được thương lượng lại, tăng gấp đôi số tiền. Giờ đây, Conviva nhận thấy số lượt tương tác trên mỗi bài đăng của Juventus giảm 53% và tổng số lượt tương tác giảm 43% xuống 28 triệu, trong khi tổng số người theo dõi chỉ tăng nhẹ 5%.
Hồng Duy