PELE VẪN LÀ PELE
Bây giờ, việc xét lại xem Pele có xứng đáng với danh hiệu Vua bóng đá hay không chẳng còn mới mẻ gì nữa. Người ta đã đặt vấn đề như thế kể từ thời điểm Diego Maradona kéo ĐT Argentina lên ngôi vô địch World Cup 1986 và vào chung kết World Cup 1990. Người ta lại đặt ra vấn đề ấy khi Lionel Messi tỏa sáng với kỳ tích 4 lần liên tiếp đoạt Quả bóng vàng FIFA. Dù sao đi nữa, Pele vẫn là Pele, vẫn là một tượng đài với quá nhiều chi tiết độc đáo từ trong ra ngoài sân cỏ mà bất cứ siêu sao nào khác đều không bao giờ có được.
Dấu ấn sâu đậm mà Pele để lại khi ông lần đầu tham dự World Cup là một ví dụ. Với một cậu bé mới 17 tuổi, lọt vào ĐTQG của một nền bóng đá lớn luôn là giấc mộng vàng. Tham dự World Cup ở độ tuổi ấy lại càng hy hữu. Vô địch World Cup ở tuổi 17, với một dấu ấn rõ ràng, thì còn hơn cả phép lạ – chỉ có đúng một trường hợp trong suốt lịch sử. Đấy là Pele, tại Thụy Điển năm 1958.
Ban đầu, Pele là cầu thủ trẻ nhất từng xuất hiện ở VCK World Cup. Sau này, Norman Whiteside (Bắc Ireland, trẻ hơn vài tháng) xô ngã kỷ lục của Pele tại World Cup 1982. Nhưng kỷ lục cầu thủ trẻ nhất ghi bàn ở VCK World Cup (17 tuổi, 239 ngày), cầu thủ trẻ nhất lập hat-trick (17 tuổi, 244 ngày) và cầu thủ trẻ nhất ghi bàn trong trận chung kết (17 tuổi, 249 ngày) của Pele thì vẫn đứng vững.
VÔ ĐỐI Ở TUỔI 17
Chỉ trong 3 trận từ tứ kết đến chung kết, “cậu bé” Pele đã ghi 6 bàn và góp công quan trọng đưa Brazil lên ngôi vô địch World Cup 1958. Vấn đề không chỉ là thành tích ghi bàn. Tầm quan trọng của Pele đối với chức vô địch World Cup 1958 của Brazil lại càng đáng kể. Chính ông ghi bàn duy nhất ở trận tứ kết để Brazil vượt qua Xứ Wales. Trước đó, sức tấn công của Brazil bị HLV ĐT Anh Winterbottom vô hiệu hóa, và Xứ Wales dùng lại bài bản như thế khi gặp Brazil. Nhưng vào tứ kết thì Brazil đã có Pele, đấy là khác biệt quá lớn.
Brazil là đội bóng Nam Mỹ duy nhất vô địch trên đất châu Âu
Cú hat-trick của Pele tại bán kết thắng Pháp và cú đúp trong trận chung kết thắng Thụy Điển đều là đóng góp quan trọng hơn chuyện ông ghi bàn. Bây giờ, người ta vẫn hay lấy sự khác biệt về hoàn cảnh giữa các thời kỳ khác nhau để cho rằng những gì Messi hoặc Maradona làm được trong bóng đá hiện đại khó hơn những gì Pele làm được trong kỷ nguyên “mông muội” (?).
Chỉ đúng phần nào. Hãy lên Youtube xem lại động tác ghi bàn của Pele ở trận chung kết World Cup 1958 – cả 2 bàn – xem các siêu sao hiện đại có dễ ghi bàn vừa đẹp, vừa khó như Pele? Hơn nửa thế kỷ trôi qua, đấy vẫn cứ là những tác phẩm nghệ thuật, kể cả khi những pha ghi bàn như thế được dựng lại trong bối cảnh bóng đá hiện đại!
BRAZIL KHÔNG CHỈ CÓ PELE
Trận hòa 0-0 với Anh ở vòng bảng đã buộc Brazil thay đổi cả nhân sự lẫn cách tấn công. Phòng thay đồ dậy sóng. Và HLV Feola đành chào thua áp lực từ phía các cầu thủ trụ cột, nhất là tiền vệ Didi. Họ muốn Feola xếp Pele và Garrincha vào đội hình ở trận kế tiếp. Cần nhớ: đến World Cup 1970, luật thay người giữa trận mới được áp dụng. Trước đó, việc chọn đội hình là cực kỳ quan trọng vì đã ra sân thì không được thay người.
Vừa “chào sân” trong trận gặp Liên Xô, Garrincha đã làm cả cầu trường kinh ngạc bởi pha đi bóng dọc biên dũng mãnh, kết thúc bằng cú dứt điểm dội cột, làm cả hàng thủ đối phương như hóa đá. Chỉ vài chục giây sau đó, Garrincha đã lặp lại màn tra tấn, nhưng ông không sút mà chuyền cho Pele. Lại là một cú dứt điểm dội cột. Thế rồi, khi các hậu vệ Liên Xô hoảng loạn, không biết làm gì để đối phó với cặp Garrincha – Pele, thì sóng gió lại nổi lên, và Vava ghi bàn ngay phút thứ 3. Đấy là 3 phút “dạo đầu” kinh hoàng nhất trong lịch sử World Cup, với 2 cú sút dội cột và 1 bàn thắng, từ 3 ngôi sao tấn công khác nhau! Kể từ đó, Brazil không bao giờ thua khi Pele và Garrincha cùng xuất hiện trong đội hình.
Ngoài ra, Brazil còn có Didi-cầu thủ xuất sắc nhất giải; có Nilton Santos, khiến cả thế giới biết rằng hậu vệ vẫn có thể là một ngôi sao tấn công! Ngay trận đầu tiên, người ta phải kinh ngạc khi thấy HLV Feola chạy theo Nilton Santos dọc đường biên, hét toáng lên để nhắc cầu thủ này chuyền bóng. Nhưng ông cứ đi bóng mãi, lừa mãi, cho đến khi sút tung lưới đội Áo! Với một đội hình như thế, làm sao Brazil có thể… không vô địch World Cup 1958?
Tỷ số “đáng ghét nhất” xuất hiện!
Ngày 11/6/1958, Brazil gặp Anh trong loạt trận thứ 2 của bảng 4 ở VCK World Cup. Và tỷ số 0-0 xuất hiện lần đầu tiên ở đấu trường World Cup, trước sự kinh ngạc của hơn 40.000 khán giả Goteborg, những người đến sân chỉ để chờ xem hai đội tuyển cực kỳ nổi tiếng thi nhau ghi bàn!
TỔNG QUAN
Nước chủ nhà: Thụy Điển
Thời gian diễn ra: Từ 8/6 đến 29/6/1958.
Đội tham dự: 16, chia vòng bảng.
Các SVĐ
Rasunda (Stockholm), Ullevi (Gothenburg), Malmo Stadion (Malmo), Tunavallen (Eskilstuna), Idrottsparken (Norrkoping), Jernvallen (Sandviken), Rimnersvallen (Uddevalla), Olympia (Helsingborg), Ryavallen (Boras), Orjans Vall (Halmstad), Eyravallen (Orebro), Arosvallen (Vasteras)
CHUNG CUỘC
Vô địch: Brazil
Á quân: Thụy Điển
Hạng Ba: Pháp
Vua phá lưới: Just Fontaine (Pháp, 13 bàn)
Số trận: 25
Số bàn thắng: 126
KỶ LỤC CHỜ PHÁ
13 bàn thắng ở VCK
Các kỷ lục ra đời trong thế giới thể thao là để bị xô đỏ. Nhưng đến tận bây giờ, 56 năm sau khi người ta công kênh Just Fontaine trên vai, kỷ lục kỳ diệu mà ông thiết lập tại World Cup 1958 vẫn đứng vững.
Suốt 53 tháng liền trước World Cup, Fontaine chỉ ghi 1 bàn cho ĐT Pháp. Thế nhưng, tại World Cup 1958, ông ghi 9 bàn trong 5 trận cho đến trước trận tranh hạng Ba với Đức. Những tưởng, Fontaine cùng lắm là san bằng được kỷ lục 11 bàn của Sandor Kocsis (Hungary) tại World Cup 1954. Song, Fontaine ghi tới 4 bàn giúp Pháp đè bẹp đối phương 6-3. Không biết đến bao giờ, con số 13 bàn của Vua phá lưới tại một kỳ World Cup mới bị xô đổ?
CON SỐ
17 Brazil là đội vô địch ghi được nhiều bàn thắng nhất, với 17 bàn thắng tại VCK World Cup 1958.
35 Ở tuổi 35 và 263 ngày, tiền vệ Nils Liedholm của Thụy Điển trở thành cầu thù cao tuổi nhất ghi bàn trong trận chung kết World Cup.
Ngôi sao của giải: Didi, người sáng chế ra cú sút “lá vàng rơi”
Trong một đội hình đầy rẫy ngôi sao sáng chói của Brazil, Didi vẫn được đánh giá là một trong những cầu thủ quan trọng nhất giúp Selecao đăng quang tại World Cup 1958. Là một tiền vệ công siêu đẳng, đồng thời sở hữu những cú sút phạt tuyệt hảo, Didi được xem như người “sáng chế” ra cú sút “lá vàng rơi” và được bầu chọn là cầu thủ xuất sắc World Cup 1958.
Chính tầm ảnh hưởng lớn từ Didi đã giúp hàng tiền vệ Brazil khi ấy là nỗi “reo rắc kinh hoàng” cho bất cứ hàng thủ nào với những phẩm chất tuyệt vời như: nhanh, khéo, dũng mãnh và đầy tinh tế.
BẠN CÓ BIẾT
Số 10 định mệnh của Pele
Trước World Cup 1958, Brazil quên đăng ký số áo cầu thủ lên FIFA. Một nhân vật trong BHL Uruguay đã điền giúp số áo cho ĐT Brazil và chơi khăm bằng cách lấy chiếc áo số 10 cho cầu thủ rất trẻ là Pele. Không ai nghĩ, Selecao dám tung một cậu bé mới 17 tuổi ra sân. Nhưng đúng là định mệnh. Đây chính là số 10 nổi tiếng nhất trong lịch sử và là số áo của Vua bóng đá sau này.
Về sau, rất nhiều huyền thoại bóng đá thế giới khác như Diego Maradona, Zico, Michel Platini, Zinedine Zidane đều mang áo số 10.