ĐAN MẠCH, LIÊN XÔ GÂY ẤN TƯỢNG
Ở thời điểm World Cup 1986 diễn ra, Đan Mạch với chùm sao sáng Soren Lerby, Preben Elkjaer-Larsen, Michael Laudrup… đã là đội mạnh châu Âu. Tuy nhiên, do họ chỉ mới lần đầu tham dự World Cup, nên đã bị xếp vào nhóm đội “lót đường” (cùng những Iraq, Canada, Nam Triều Tiên…) khi bốc thăm chia bảng.
Hệ quả Đan Mạch bị ném vào “bảng tử thần”, cùng với các đội mạnh là Tây Đức, Uruguay và Scotland của HLV Alex Ferguson. Tuy nhiên, với lối chơi phối hợp ở tốc độ cao gợi lại đội tuyển Hà Lan của những năm 1970, “Thùng thuốc nổ” Đan Mạch đã đánh bại cả 3 đối thủ cùng bảng để thẳng tiến vào vòng 1/8. Tuy nhiên, ở đây, một cú sốc lớn đã xuất hiện khi Đan Mạch bị Tây Ban Nha đè bẹp với tỉ số 5-1, trong một trận đấu mà Emilio Butragueno đã chơi xuất thần và một mình ghi tới 4 bàn!
Giống như Đan Mạch, Liên Xô cũng để lại dấu ấn sâu đậm dù không phải là ứng viên vô địch, và dù không tiến được quá xa. Nhận ghế HLV trưởng ngay trước VCK, nhà cầm quân lỗi lạc Valery Lobanovsky đưa đến 12 cầu thủ thuộc CLB Dynamo Kiev của ông vào danh sách ĐTQG. Liên Xô đứng trên cả Pháp (ĐKVĐ EURO) ở vòng bảng, nhưng lại thua Bỉ 3-4 một cách tức tưởi trong 120 phút đầy kịch tính ở vòng 2.
ĐT Liên Xô cũ huyền thoại
NHỮNG NGÔI SAO LỤI TÀN
Tới World Cup 1986, Tây Đức mang theo Karl-Heinz Rummenigge, Pháp mang theo Michel Platini và Brazil mang theo Zico, với hi vọng những siêu sao này có thể tỏa sáng thêm một kỳ World Cup nữa. Nhưng điều kiện thi đấu khắc nghiệt đã khiến họ không thể hiện được hết khả năng. Zico đá hỏng 1 quả penalty trong thời gian chính thức của trận tứ kết với Pháp, và khi trận đấu kéo dài tới loạt đấu súng, lại tới lượt Platini sút hỏng.
Đánh bại Pháp ở bán kết cũng trên chấm 11m, Rummenigge cùng Tây Đức tiến vào tới trận Chung kết, và ông thậm chí còn ghi bàn. Tuy nhiên, cuối cùng thì Tây Đức vẫn thua Argentina của Maradona, và bản thân Rummenigge cũng không thể tự hào rằng ông đã có một giải đấu thành công. Bị ảnh hưởng bởi chấn thương, Rummenigge không thể hiện được phong độ cao nhất, và chỉ chơi trọn vẹn có 2 trận. Ông đã quyết định chia tay đội tuyển sau giải đấu này.
ĐT Đức năm 1986
NHỮNG DẤU ẤN KHÓ PHAI MỜ
Sau khi để lại dấu ấn đáng kể tại World Cup 1982, bóng đá châu Phi tiếp tục gặt hái thành công ở World Cup 1986, với lá cờ đầu Morocco. Đội bóng Bắc Phi đứng đầu bảng đấu gồm toàn đối thủ mạnh (Anh, Ba Lan, BĐN), trước khi để thua tức tưởi Tây Đức ở vòng 2 (bàn quyết định ghi ở phút 88). Đây cũng là giải đấu chứng kiến sự xuất hiện trở lại của Nam Triều Tiên (nay là Hàn Quốc), và từ đó đến nay họ chưa phải vắng mặt thêm lần nào.
World Cup 1986 cũng là giải đấu ghi nhận sức mạnh của đội tuyển Bỉ thời “Thế hệ Vàng”. Với những ngôi sao như thủ môn Jean-Marie Pfaff, hậu vệ Eric Gerets, tiền vệ đội trưởng Jan Ceulemans và đặc biệt là tài năng trẻ Enzo Scifo, Bỉ đã chơi cực kỳ ấn tượng ở giải này. Sau khi vượt qua vòng bảng, Bỉ gây tiếng vang lớn khi đánh bại đối thủ mạnh Liên Xô ở vòng 1/8, trước khi hạ tiếp Tây Ban Nha ở tứ kết.
Họ chỉ chịu dừng bước trước nhà vô địch Argentina, với cả 2 bàn thua đều đến từ sự tỏa sáng của Maradona.
TỔNG QUAN
Nước chủ nhà: Mexico
Thời gian diễn ra VCK: Từ 31/5 – 29/6
Số đội tham dự: 24
Số trận thi đấu: 52
Bàn thắng: 132 (2,54 bàn/trận)
Các SVĐ: Azteca, Olimpico Universitario (Mexico City); Jalisco (Guadalajara); Cuauhtemoc (Puebla); Universitario (San Nicolas de los Garza); La Corregidora (Queretaro); Tecnologico (Monterrey); Nou Camp (Leon); Neza 86 (Nezahualcoyotl); Sergio Leon Chavez (Irapuato); Tres de Marzo (Jalisco); Nemesio Diez (Toluca)
Tổng số khán giả: 2.393.031 (46.020/trận)
CHUNG CUỘC
Vô địch: Argentina (vô địch lần 2)
Á quân: Đức
Hạng Ba: Pháp
Hạng Tư: Bỉ
Cầu thủ xuất sắc nhất: Maradona (Argentina)
Vua phá lưới: Gary Lineker (Anh, 6 bàn)
14 Tại World Cup 1982, đội ghi nhiều bàn thắng nhất là Pháp chỉ có vỏn vẹn… 10 bàn thắng. 4 năm sau, Argentina đã cải thiện đáng kể thành tích của đội ghi nhiều bàn nhất với tổng cộng 14 lần lập công. Argentina cũng là nhà vô địch kiêm luôn thành tích ghi nhiều bàn nhất giải đầu tiên kể từ sau Brazil 1970.