TỔNG QUAN
– Nước chủ nhà: Mỹ
– Thời gian diễn ra giải đấu: Từ ngày 17/6 tới 17/7/1994
– Số đội tham dự: 24 đội
– Số trận thi đấu: 52
– Số bàn thắng: 141 (trung bình 2,71 bàn/trận)
– Tổng số khán giả: 3.587.538 lượt người (68.991 người/trận)
– Các SVĐ: Rose Bowl (Pasadena, California), Stanford (Stanford, California), Pontiac Silverdome (Pontiac, Michigan), Giants (East Rutherford, New Jersey), Cotton Bowl (Dallas, Texas), Soldier Field (Chicago, Illinois), Citrus Bowl (Orlando, Florida), Foxboro (Foxborough, Massachusetts), Robert F. Kennedy Memorial (Washington, D.C.)
CHUNG CUỘC
Vô địch: Brazi
Á quân: Italia
Hạng Ba: Thụy Điển
Vua phá lưới: Hristo Stoichkov (Bulgaria), Oleg Salenko (Nga) – 6 bàn thắng
Cầu thủ xuất sắc nhất: Romario (Brazil)
Thay đổi toàn diện
Tại các VCK World Cup 1982 và 1986, ĐT Brazil đều dự giải với vị thế ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch. Thời điểm đó, đội bóng áo vàng xanh sở hữu những ngôi sao tấn công hàng đầu thế giới như Falcao, Zico, Socrates… Thế nhưng, Brazil lại không thu được kết quả mong muốn. Chẳng những lỗi hẹn với chức vô địch, Selecao còn không lọt vào nổi vòng bán kết.
Nguyên nhân thất bại của Selecao sau đó được LĐBĐ Brazil (CBF) mổ xẻ một cách nghiêm túc. Họ nhận ra mình đã tụt hậu khá xa so với những đội tuyển châu Âu trên khía cạnh chiến thuật. ĐT Brazil của thập niên 1980 quá thiên về tấn công, luôn tìm cách ghi thật nhiều bàn thắng mà không chú trọng đến phòng ngự. Ngoài ra, bóng đá Brazil mắc “bệnh” cố gắng đưa thật nhiều cầu thủ tấn công vào đội hình, dẫn đến một số danh thủ phải chơi trái sở trường, còn đội bóng mất cân bằng.
Rút kinh nghiệm từ những thất bại trong quá khứ, Brazil bước vào World Cup 1994 bằng những con người mới, lối chơi mới và trên hết là tư duy mới, đi ngược hoàn toàn với truyền thống bóng đá quốc gia Nam Mỹ này. Selecao được đặt dưới bàn tay của HLV Carlos Alberto Parreira, một người nổi tiếng thực dụng. Brazil vì thế luôn nhập cuộc với tư tưởng thận trọng. Họ chỉ tấn công khi cảm thấy sự an toàn nơi khung thành của đội nhà.
Một chi tiết cho thấy ĐT Brazil của World Cup 1994 thận trọng và thực dụng như thế nào. Đó là ngoài cú đá penalty thành công của Rai ở trận ra quân với Nga, không có tiền vệ nào khác của HLV Parreira ghi bàn trên đất Mỹ. Thống kê đó phần nào cho thấy hàng tiền vệ Selecao chỉ thực hiện nhiệm vụ tranh chấp, thu hồi bóng và kiến tạo là chính. Càng về sau HLV Parreira càng trở nên thận trọng. Ông rút một tiền vệ xu hướng tấn công là Rai khỏi đội hình chính và thay bằng chuyên gia thu hồi bóng Mauro Silva đá cặp với Dunga ở giữa sân. Bộ tứ tiền vệ Mauro Silva, Dunga, Mazinho và Zinho hiếm khi dâng cao áp sát cầu môn đối phương. Nhiệm vụ ghi bàn phụ thuộc hoàn toàn vào cặp tiền đạo Romario – Bebeto.
Nền tảng mới cho Selecao
Với cách tiếp cận thận trọng đó, Brazil lừ lừ như một cỗ xe tăng, tiến chậm nhưng chắc chắn. Đặc biệt, kể từ giai đoạn loại trực tiếp, Selecao đều chỉ đánh bại đối phương với cách biệt tối thiểu. Riêng trận chung kết, thầy trò HLV Parreira phải nhờ tới loạt sút luân lưu mới vượt qua được Italia.
Sau nhiều đau thương, Brazil đã thu được thành quả nhờ chuyển hướng sang chơi thực dụng. Selecao lên ngôi không chỉ nhờ tài ghi bàn của Romario mà còn cần đến tài bắt bóng của thủ môn Claudio Taffarel, hay sự vững vàng tỉnh táo của đội trưởng Dunga ở khu vực giữa sân.
Chức vô địch World Cup 1994 trở thành nền tảng, hướng Brazil đi theo một con đường mới. Họ không còn bay bổng một cách phóng túng, thay vào đó là lối chơi tấn công có kiểm soát, chú trọng tới sự cân bằng giữa công và thủ. Tư duy mới này sau đó còn đem tới cho Brazil chức vô địch World Cup 2002.
Lần đăng quang có ít bàn thắng nhất
Brazil chỉ có được 11 bàn thắng ở World Cup 1994. Đây là lần đăng quang mà Selecao ghi được ít bàn thắng nhất. Tại các lần đăng quang trước như World Cup 1958 (16 bàn), World Cup 1962 (14) và World Cup 1970 (19), ĐT Brazil đều ghi nhiều bàn thắng dù chơi ít trận hơn. Ở lần đăng quang thứ 5 vào năm 2002, Selecao cũng ghi tới 18 bàn thắng.
|
TRẬN CHUNG KẾT, BRAZIL – ITALIA: 0-0 (luân lưu: 3-2)
Trận đấu của những kỷ lục
Trận chung kết World Cup 1994 giữa Brazil và Italia đã thiết lập nên một loạt kỷ lục. Đây là trận chung kết World Cup đầu tiên trong lịch sử phải phân định thắng thua bằng loạt sút luân lưu. Phải tới World Cup 2006, Pháp và Italia mới lặp lại điều này. Song có một kỷ lục khác vẫn đứng vững cho đến bây giờ. Đó là cuộc so tài giữa Brazil và Italia trên đất Mỹ vào năm 1994 trở thành trận chung kết duy nhất trong lịch sử World Cup không có bàn thắng nào được ghi sau 120 phút thi đấu.
Nhìn qua những thống kê trên, có thể mường tượng ra chung kết World Cup 1994 diễn ra kém hấp dẫn như thế nào. Một số nhà phân tích còn gọi đây là trận chung kết buồn ngủ nhất trong lịch sử giải đấu. Hấp dẫn làm sao được, khi mà cả hai đội đều không dám mạo hiểm tấn công. Brazil ở World Cup 1994 chuyển hướng theo trường phái thận trọng. Họ chỉ lên bóng khi cảm thấy an toàn. Trong khi đó, Italia chơi bóng trên nền tảng phòng ngự. Họ chủ trương khóa chặt hai cầu thủ tấn công bên phía Brazil là Romario và Bebeto hơn là tấn công tìm kiếm bàn thắng.
Với lối tư duy đó, chẳng có gì lạ khi trận đấu kết thúc mà không có bàn thắng nào được ghi. Hai đội phải phân định thắng thua bằng loạt sút luân lưu. Điều đáng nói là trong thời khắc cân não này, các cầu thủ Brazil lại tỏ ra bản lĩnh và lạnh lùng hơn các đồng nghiệp bên phía Italia. Dù Marcio Santos sút hỏng ngay quả đầu tiên, nhưng Brazil không nhụt chí. Họ bình tĩnh bước tiếp vào loạt sút sinh tử và giành chiến thắng 3-2. Thủ môn Claudio Taffarel trở thành người hùng nhờ sự vững chắc trong khung thành. Trận chung kết World Cup 1994 cho thấy, Brazil không chỉ thay đổi lối chơi, mà còn có sự chuẩn bị tâm lý cho những thời khắc sinh tử. Đây là điều mà các thế hệ coi trọng lối chơi bay bổng trước khi của Brazil không hề có.
NGÔI SAO
Stoichkov làm bừng sáng Đông Âu
Hristo Stoichkov rất xứng đáng là một trong những ngôi sao hàng đầu ở USA 1994. Sự tỏa sáng của Stoichkov đã giúp ĐT Bulgaria kế thừa truyền thống của bóng đá Đông Âu, lọt vào tới tận bán kết một cách không ai ngờ tới.
Ở vòng loại World Cup 1994, Bulgaria đã gây cú sốc thuộc loại lớn nhất trong lịch sử khi thắng Pháp 3-2 ở trận cuối cùng một cách đầy kịch tính. Tuy nhiên, khi bước vào VCK, phần đông NHM vẫn chỉ xem đó là chiến tích ăn may của đội bóng xứ sở hoa hồng.
Nhưng ĐT Bulgaria đã chứng minh việc họ loại Pháp là hoàn toàn xứng đáng bằng màn trình diễn đầy thuyết phục trên đất Mỹ. Ngôi sao lớn nhất của bóng đá Bulgaria khi ấy, Stoichkov đã không khiến NHM phải thất vọng.
Pha xỉa bóng hoàn hảo qua người thủ môn Argentina của Stoichkov đã giúp Bulgaria mở ra chiến thắng 2-0 ở lượt cuối vòng bảng, qua đó giành vé vào vòng 1/8. Tại đây, Stoichkov ghi tiếp 1 bàn nữa vào lưới Mexico, trước khi Bulgaria thắng trong loạt sút luân lưu.
Nhưng pha bóng đáng nhớ nhất của Stoichkov tại VCK World Cup 1994 chỉ đến tại tứ kết. Bulgaria đang bị nhà ĐKVĐ thế giới Đức dẫn 1-0, hầu như ai cũng nghĩ Đức sẽ tiến vào bán kết. Nhưng cú đá phạt thần sầu của Stoichkov ở phút 75 làm thay đổi tất cả. Stoichkov sút bóng vào vị trí của hậu vệ Guido Buchwald, người nhảy thấp nhất trong số 6 cầu thủ Đức đứng làm hàng rào, khiến thủ môn Bodo Illgner chỉ còn biết đứng chôn chân.
Người Đức choáng váng vì quả đá phạt của Stoichkov, tạo điều kiện cho Iordan Letchkov (người khi ấy chơi cho CLB Hamburg tại… Đức) thực hiện pha bay người đánh đầu ghi bàn thứ hai. Một đội bóng không mấy được chú ý như Bulgaria đã lần lượt đánh bại Pháp (vòng loại), Argentina và Đức (VCK) để tiến vào bán kết lần đầu tiên trong lịch sử.
ĐT Bulgaria đã không thể tiến vào trận cuối cùng trước bậc quái kiệt Italia ở bán kết, nơi Stoichkov đã chọc thủng lưới Gianluca Pagliuca. Ở trận tranh giải ba, Stoichkov có cơ hội vượt qua Oleg Salenko (Nga) để độc chiếm ngôi Vua phá lưới nếu chỉ cần ghi thêm 1 bàn vào lưới Thụy Điển, nhưng rốt cuộc Bulgaria của anh thua 0-4. Chuyện cổ tích của người Bulgaria chấm dứt, nhưng những gì Stoichkov và đồng đội làm được trên đất Mỹ là bất tử trong lòng NHM Đông Âu.
Dù đang ở đỉnh cao phong độ dưới màu áo Barca, nhưng màn trình diễn tại USA 1994 mới là yếu tố quyết định giúp Stoichkov giành danh hiệu Quả bóng vàng châu Âu 1994.
KỶ LỤC CHỜ PHÁ
Salenko đi vào lịch sử
Trong toàn bộ sự nghiệp thi đấu quốc tế, Oleg Salenko sở hữu 6 bàn thắng sau 8 lần khoác áo ĐT Nga. Và cả 6 bàn thắng này đều được chân sút sinh năm 1969 thực hiện tại VCK World Cup 1994. Đáng chú ý hơn, có tới 5 bàn được Salenko nã vào lưới Cameroon tại vòng bảng. Trong lịch sử các VCK World Cup, Salenko là cầu thủ duy nhất ghi 5 bàn trong một trận đấu.
Dù ĐT Nga sớm rời giải ngay sau vòng bảng, Salenko đã để lại dấu ấn khó phai mờ tại World Cup 1994. Với tổng cộng 6 pha lập công, chân sút gốc Ukraine chia sẻ danh hiệu Vua phá lưới cùng với Hristo Stoichkov. Qua đó, Salenko trở thành cầu thủ duy nhất trong lịch sử đoạt ngôi Vua phá lưới World Cup dù đội nhà bị loại ngay vòng bảng.
Quay lại trận cầu đáng nhớ Nga – Cameroon, Salenko chỉ cần 75 phút để ghi tới 5 bàn vào lưới đội bóng châu Phi. Có thể nói đó là 75 phút huy hoàng nhất trong sự nghiệp không mấy nổi bật của tiền đạo này. Sau khi giải nghệ, Salenko từng nắm vai trò HLV trưởng đội bóng đá bãi biển Ukraine.