TÔNG QUAN:
Nước chủ nhà: Pháp
Thời gian diễn ra giải đấu: Từ 10/6 đến 12/7
Số đội tham dự: 32
Các SVĐ: Stade de France (Saint-Denis), Velodrome (Marseille), Parc des Princes (Paris), Gerland (Lyon), Felix Bollaert (Lens), La Beaujoire (Nantes), Geoffroy-Guichard (Saint-Etienne), Parc Lescure (Bordeaux), La Mosson (Montpellier), Municipal (Toulouse)
CHUNG CUỘC:
– Vô địch: Pháp
– Á quân: Brazil
– Hạng 3: Croatia
– Hạng 4: Hà Lan
– Số trận đấu: 64
– Số bàn thắng: 171 (2,67 bàn/trận)
– Vua phá lưới: Davor Suker (Croatia, 6 bàn)
– Cầu thủ xuất sắc nhất giải: Ronaldo (Brazil)
“HÃY TRẢ LẠI ĐỘI PHÁP CHO NHỮNG NGƯỜI PHÁP!”
Đấy là khẩu hiệu của thủ lĩnh đảng cực hữu Mặt trận dân tộc Jean-Marie Le Pen, một gương mặt quen thuộc trên chính trường Pháp và châu Âu. Xã hội Pháp trong những năm trước World Cup 1998 phải đối diện với hàng loạt vấn đề nhức nhối, liên quan đến dân nhập cư. Đấy cũng là nước Tây Âu có tỷ lệ dân nhập cư cao nhất, đa chủng tộc nhất. Xã hội phân hóa. Báo giới chỉ trích. Phần mình, Le Pen tuyên bố dõng dạc: “Hãy trả lại đội tuyển Pháp cho những người Pháp chính gốc”.
Cũng không riêng gì nước Pháp. Cả châu Âu đã có cái nhìn quan ngại về “phong độ” trên chính trường của Le Pen hồi cuối thập niên 1990. Ông ta mà thắng, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc sẽ phát triển và lan tràn đến mức độ nào?
Marcel Desailly nhớ lại: anh cùng đồng đội từng xem TV và thấy khách qua đường trả lời phỏng vấn theo hướng đồng tình với Le Pen: có quá nhiều cầu thủ Ả rập hoặc cầu thủ da đen trong đội tuyển Pháp. Chủ tịch LĐBĐ Pháp cũng nhận không ít lá thư phàn nàn về tình trạng ấy. Đấy thực sự là một khung cảnh tranh tối tranh sáng cho xã hội Pháp, cho cả nước Pháp. “Les Bleus” bước vào World Cup 1998 trong khung cảnh ấy, ngay tại sân nhà.
BÓNG ĐÁ GIÚP CẢ NƯỚC PHÁP CHIẾN THẮNG
Dĩ nhiên, ai cũng muốn cản bước Le Pen. Nhưng người ta thường nói, bóng đá có thể làm được những việc lớn lao mà các chính khách giỏi nhất cũng không làm được. Đấy cũng là ý nghĩa lớn nhất khi đội tuyển Pháp của Zidane nâng cao cúp vô địch ngay tại sân nhà, khi dân Pháp đổ xô ra đại lộ Champs Elysees ăn mừng chiến thắng.
Báo chí liên tục đăng sự chỉ trích của Marcel Desailly hoặc bình luận của Thierry Henry, dĩ nhiên đều là lời lẽ chống lại, lên án Le Pen. Lilian Thuram dọa sẽ rút khỏi đội Pháp. Nhưng, để làm gì khi đấy chính là ý muốn của Le Pen? Và để làm gì, khi mà những chuyện bạo động, quậy phá leo thang khắp nơi, đúng là cái cớ để nhà phân biệt chủng tộc Le Pen đòi lại “nước Pháp của dân Pháp”. Chỉ có danh hiệu vô địch World Cup mới đủ sức xoa dịu tình hình.
Và, Pháp vô địch World Cup 1998 (sau đó đoạt luôn vương miện EURO 2000) bằng một tập hợp ngôi sao gốc Guadeloupe, Martinique, Algeria, Argentina, Senegal, Ba Lan, BĐN, TBN, Ghana… Có cả những người Pháp chính gốc nữa! Đội Pháp của những Zidane, Thuram, Desailly, Lizarazu, Djorkaeff, Henry, Trezeguet, Karembeu trở thành biểu tượng.
Zidane, gốc Algeria, được tờ Journal du Dimanche bầu là người Pháp tiêu biểu trong năm, cả trước lẫn sau World Cup 1998. Ghi 2 bàn vào lưới Brazil, Zidane giúp đội tuyển Pháp chiến thắng 3-0 hết sức thuyết phục trong trận chung kết. Nhưng chiến thắng về mặt xã hội còn quan trọng hơn: đội Pháp của HLV Aime Jacquet đã giúp nước Pháp chiến thắng nguy cơ phân hóa, chiến thắng sự chia rẽ sắc tộc.
NHỮNG AI PHẢI TRẢ GIÁ?
Không thể nói rằng HLV Jacquet hoàn toàn bỏ qua những lợi ích thể thao và chỉ tuyển chọn đội Pháp theo mục tiêu chính trị. Nói rằng các chính khách tận dụng tốt thắng lợi trong thể thao của thầy trò Jacquet thì hợp lý hơn. Dù sao đi nữa, chẳng phải vô cớ mà người ta nghi ngờ tính khách quan trong cách chọn lựa đội tuyển của HLV Jacquet.
Những tên tuổi vào loại lớn nhất của bóng đá Pháp ở thời điểm Jacquet bước lên giữ ghế HLV trưởng ĐTQG như Jean-Pierre Papin, Eric Cantona, David Ginola đều chỉ tồn tại một cách lay lắt, rồi xuất hiện lần cuối trong hàng ngũ “Les Bleus” vào năm 1995. Họ chính là những ngôi sao phải trả giá?
Sau này, báo chí tiết lộ: Jacquet bỏ Cantona là để xây dựng chỗ đứng và vai trò thủ lĩnh cho Zidane. Nhưng muốn thế thì cả Emmanuel Petit cũng mất chỗ. Đấy cũng là giai đoạn mà HLV Jacquet chịu sự chỉ trích nặng nề. Không ít nhà chuyên môn trong làng bóng Pháp khẳng định Petit là một tài năng lớn. Nhưng anh đành chấp nhận tồn tại dưới cái bóng của Zidane. Giả sử Ginola, Cantona, Papin, Petit đều sinh trưởng bên ngoài nước Pháp, giả sử họ đều là con của những người di cư đến Pháp, sự nghiệp khoác áo ĐTQG của họ sẽ khác? Không dễ trả lời.
CON SỐ:
4: VCK World Cup 1998 chứng kiến tới 4 pha phản lưới nhà, ngang World Cup 1954, 2006 và cao nhất trong lịch sử.
16: Làm tung lưới Nigeria chỉ 16 giây sau khi vào sân, tiền đạo Ebbe Sand (Đan Mạch) lập kỷ lục cầu thủ dự bị ghi bàn nhanh nhất trong lịch sử World Cup.
37: World Cup 1998 có tới 37 cầu thủ ghi được từ 2 bàn trở lên, nhiều nhất trong các kỳ World Cup.
NGÔI SAO
Zidane đưa Pháp lên ngôi vô địch
Cái tên Zinedine Zidane bắt đầu đi vào huyền thoại kể từ World Cup 1998. Bất luận bị treo giò 2 trận, Zizou vẫn chứng tỏ vai trò đầu tầu của đội bóng áo Lam với kỹ thuật siêu đẳng và khả năng dẫn dắt trận đấu thiên tài. Màn trình diễn đỉnh cao của Zidane là tại trận chung kết, khi tiền vệ đầu hói lập cú đúp vào lưới Brazil bằng hai pha đánh đầu đều từ các quả phạt góc. Kỳ World Cup đại thành công là bệ phóng đưa tiền vệ tài hoa này tới danh hiệu Quả bóng vàng châu Âu 1998.
BẠN CÓ BIẾT?
Bí ẩn… ngoài hành tinh
“Người ngoài hành tinh” Ronaldo (Brazil) đã chơi mờ nhạt đến bất thường trong trận chung kết. Hàng loạt giả thiết nửa tin nửa ngờ được đưa ra như Ronaldo bị ốm, bị suy tim, bị đau bụng, bị uống nhầm thuốc. Thậm chí còn có nguồn tin khẳng định siêu sao của Inter bị đầu độc. Nhưng cho tới giờ, sự “biến mất” kỳ lạ của Ronaldo trong trận chung kết năm 1998 mãi là một trong những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử World Cup.
THÔNG TIN THÊM:
32 World Cup 1998 là giải VĐTG đầu tiên nâng số đội tham dự VCK lên thành 32. Có thể thấy World Cup đã phát triển nhanh chóng thể hiện ở số lượng đội tham dự ngày một phình to. World Cup 1930 mới có 13 đội tham dự, tới World Cup 1936 là 16 đội, World Cup 1982 lên 24 đội và World Cup 1998 là 32 đội. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng chất lượng và sự hấp dẫn của World Cup đã suy giảm khi có tới 32 đội dự giải.
KỶ LỤC CHỜ PHÁ:
Nhà vô địch thủng lưới ít nhất
Zidane là ngôi sao lớn nhất, nhưng hàng phòng ngự mới là bệ phóng quan trọng đưa Pháp tới ngôi vô địch. Barthez trong khung gỗ, bộ tứ vệ Thuram – Desailly – Blanc – Lizarazu, đã trở thành bức tường thép trước mọi đối thủ. Cả giải, Pháp chỉ thủng lưới 2 bàn, trở thành nhà vô địch thua ít bàn nhất.
8 năm sau, Italia vô địch World Cup 2006 cũng chỉ thủng lưới 2 bàn. Tới World Cup 2010, tân vương TBN cũng chỉ phải nhận 2 bàn thua. Nhưng cho tới giờ, chưa nhà vô địch thế giới nào vượt qua được cột mốc 2 bàn thua mà Pháp thiết lập năm 1998. Liệu đội vô địch World Cup 2014 có phá được kỷ lục của Pháp? Hãy chờ xem!