TỔNG QUAN
Nước chủ nhà: Đức
Thời gian diễn ra: 9/6 – 9/7/2006
Đội tham dự: 32 đội.
Địa điểm thi đấu: Berlin, Dortmund, Munich, Stuttgart, Gelsenkirchen, Hamburg, Frankfurt, Cologne, Hannover, Leipzig, Kaiserslautern, Nuernberg.
Số trận đấu: 64 trận.
Bàn thắng: 147 (2,3 bàn/trận)
CHUNG CUỘC
Vô địch: Italia
Á quân: Pháp
Hạng 3: Đức
Hạng 4: BĐN
Vua phá lưới: Miroslav Klose (Đức, 5 bàn)
Cầu thủ xuất sắc nhất: Zinedine Zidane (Pháp)
TAN TÁC ĐẾN WORLD CUP
Nếu như có sự tương đồng giữa hai câu chuyện “cổ tích có thật”, thì sự tương đồng chỉ là nội dung: đội tuyển Italia luôn biết cách xiết chặt tay nhau để vượt qua sóng gió với thành công mỹ mãn. Cả hai danh hiệu vô địch World Cup trong kỷ nguyên hiện đại của Italia đều đến sau những cơn đại hồng thủy làm Calcio tan tác. Nhưng xét về “cường độ” của sự việc thì Calciopoli 2006 lớn gấp bội Totonero 1980, và chức vô địch World Cup 2006 của Italia do vậy cũng kỳ diệu hơn chức vô địch World Cup 1982.
Sau Calciopoli, Juventus bị đánh rớt hạng, hàng loạt đội mạnh như Milan, Lazio, Fiorentina bị trừ điểm ở mùa kế tiếp. Hệ lụy là các hảo thủ Italia dự World Cup mà không biết tương lai của chính họ sẽ đi về đâu. Họ cũng không biết liệu sẽ lại có những cuộc điều tra mở rộng? Sẽ có cầu thủ liên lụy trong tương lai…? Suy cho cùng, Fabio Cannavaro và nhiều cầu thủ khác đã phải trả lời thẩm vấn. Thậm chí đã có lời kêu gọi Italia rút tên khỏi World Cup!
Hàng ngày, Cannavaro hoặc các ngôi sao như Gianluigi Buffon, Andrea Pirlo đều xuất hiện trên mặt báo, nhưng không phải với các đề tài chuyên môn mà chỉ với những câu chuyện ngoài sân cỏ. Ác ở chỗ: scandal Calciopoli bùng nổ ngay trước thềm World Cup (tháng 5/2006), và nó tiếp diễn, song song với World Cup. Từ Đức, các cầu thủ thuộc CLB Juventus trong hàng ngũ Azzurri phải cấp tốc trở về Turin để thăm Gianluca Pessotto khi cựu danh thủ nhảy lầu tự tử vì stress. Tóm lại, thật khó mà kể xiết những khó khăn của thầy trò Marcello Lippi, khi họ bước vào World Cup trong bối cảnh như vậy.
Cũng cần nói thêm: trong điều kiện bình thường, Azzurri vốn đã bị xem là một đoàn quân không có ngôi sao tại World Cup 2006. Dĩ nhiên họ có Fabio Cannavaro hoặc Andrea Pirlo, nhưng chưa đủ. Thủ môn Buffon là thành viên duy nhất trong hàng ngũ Azzurri có thể sánh với siêu sao của các đội khác về mặt tên tuổi.
CHIẾN CÔNG HIỂN HÁCH
Nhưng, chính tinh thần thi đấu quật khởi và nỗ lực hầu như không bao giờ dứt của Gattuso rút cuộc lại là vũ khí quan trọng để Italia tiến thẳng đến ngôi vô địch World Cup 2006. Đồng đội quanh anh đa số cũng vậy. Giới hâm mộ trung lập không dễ biết Fabio Grosso hoặc Simone Perotta trước thềm World Cup. Nhưng họ đều bất ngờ tỏa sáng và góp công quan trọng vào chiến thắng. Hoặc như Marco Materazzi: anh đã khôn ngoan chiến thắng siêu sao Zinedine Zidane bằng sự láu cá đặc trưng của một hậu vệ Italia.
Azzurri khởi đầu một cách tốt đẹp, với chiến thắng 2-0 trước Ghana. Sau đó, tuy tỏ ra mờ nhạt trong trận hòa Mỹ 1-1, Italia vẫn thắng CH Czech 2-0 để tiến vào chặng knock-out với ngôi đầu bảng. Đấy là trận thắng giúp HLV Marcello Lippi, nếu ông nói đúng, thật sự tin rằng Italia có khả năng vô địch World Cup.
Cũng có lý khi người ta cho rằng Italia thắng Australia ở vòng 1/8 với hình ảnh kém thuyết phục, nhưng có bao giờ Azzurri cần đến sự thuyết phục? Điều quan trọng là Marcello Lippi đã xây dựng được một đội bóng tuyệt vời hơn là kết hợp những ngôi sao sáng với nhau. Tinh thần và lối chơi đồng đội của Italia tại World Cup 2006 là điều mà các tifosi không thấy được tại World Cup 2002 hoặc EURO 2004. Có đến 10 cầu thủ khác nhau ghi bàn cho Italia tại World Cup 2006. Trừ 2 thủ môn dự bị, mọi thành viên còn lại trong đội đều lần lượt ra sân.
Thắng chủ nhà Đức trong hiệp phụ và thắng Pháp – một đối thủ trên tài – bằng loạt sút luân lưu 11m, Italia đã đăng quang vô địch World Cup lần thứ 4, một cách hiển hách. Việc FIFA trao danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải cho ngôi sao Pháp Zidane cùng việc Italia không hề là đội số 1 trong bảng xếp hạng của FIFA, cả trước lẫn sau World Cup, càng cho thấy nỗ lực của thầy trò Lippi tuyệt vời như thế nào.
CON SỐ
3. Simunic lập kỷ lục hy hữu khi là cầu thủ duy nhất phải nhận tới… 3 thẻ vàng mới bị truất quyền thi đấu tại World Cup (trận Croatia-Australia).
20. Kỷ lục 20 thẻ phạt trong một trận đấu tại World Cup được xác lập, khi trọng tài Valentin Ivanov đã phạt các cầu thủ Bồ Đào Nha và Hà Lan tổng cộng 16 thẻ vàng, 4 thẻ đỏ.
345. World Cup 2006 lập kỷ lục về thẻ phạt với tổng cộng 345 thẻ vàng và 28 thẻ đỏ được các trọng tài rút ra chỉ sau 64 trận.
KỶ LỤC CHỜ PHÁ: 15 bàn thắng của Ronaldo
Tại World Cup 2006, “người ngoài hành tinh” Ronaldo đã góp cho Brazil 3 bàn thắng. Trong số đó, pha làm bàn vào lưới Ghana, giúp Selecao thắng 3-0 là bàn thắng thứ 15 của Ronaldo tại World Cup, giúp anh vượt qua Gerd Mueller để trở thành chân sút vĩ đại nhất lịch sử World Cup. Tuy nhiên, kỷ lục này của Ronaldo hoàn toàn có thể bị phá tại World Cup 2014, nếu Miroslav Klose ghi thêm 2 bàn nữa.
NGÔI SAO: Zinedine Zidane bừng sáng
Dù đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp nhưng Zidane đã thi đấu chói sáng tại World Cup 2006 để đưa Pháp vào tới chung kết. Đóng góp của Zidane không chỉ được thể hiện ở 3 bàn thắng mà còn ở cách anh dẫn dắt Pháp vượt qua những chướng ngại vật lớn như Tây Ban Nha hay Brazil với màn trình diễn siêu hạng. Zidane xứng đáng là cầu thủ xuất sắc nhất giải.
BẠN CÓ BIẾT? Lá phiếu trắng bí ẩn của châu Đại dương
Trong cuộc bầu chọn quốc gia đăng cai World Cup 2006, Đức đã thắng Nam Phi nhờ lá phiếu trắng bí ẩn của Charlie Dempsey (ảnh), chủ tịch LĐBĐ châu Đại Dương. Nếu giữ đúng lời hứa, Dempsey đã bỏ phiếu cho Nam Phi và tỷ lệ phiếu bầu là 12-12. Khi đó, chủ tịch FIFA Sepp Blatter sẽ được quyền bỏ phiếu đặc biệt và sẽ chọn Nam Phi như cam kết. Nhưng với phiếu trắng đầy bí ẩn của Dempsey, Đức đã thắng Nam Phi với tỷ lệ 12-11 để giành quyền đăng cai đầy bất ngờ.